Môi giới bất động sản đánh đổi gì để được tự do?

Thứ năm, 18/07/2019, 09:02 GMT+7
Môi giới bất động sản đánh đổi gì để được tự do?

Môi giới bất động sản đánh đổi gì để được tự do?

 Lương thấp, gò bó về thời gian, áp lực công việc cao hay muốn lãnh trọn tiền hoa hồng… là những lý do khiến nhiều nhân viên bất động sản rời bỏ công ty để được làm môi giới tự do.

Chúng tôi gặp Thủy, một môi giới bất động sản tự do, tại một quán cafe ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Không phải gò bó trong bộ vest thường thấy của các nữ môi giới, Thủy nhìn rất chỉnh chu với áo sơ mi trắng, quần tây.

“Sao làm tự do rồi mà ăn mặc như dân văn phòng vậy?”

 Lương thấp, gò bó về thời gian, áp lực công việc cao hay muốn lãnh trọn tiền hoa hồng… là những lý do khiến nhiều nhân viên bất động sản rời bỏ công ty để được làm môi giới tự do.

Môi giới bất động sản đánh đổi gì để được tự do?

Nhiều môi giới bất động sản lựa chọn xu hướng làm việc tự do

Chúng tôi gặp Thủy, một môi giới bất động sản tự do, tại một quán cafe ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Không phải gò bó trong bộ vest thường thấy của các nữ môi giới, Thủy nhìn rất chỉnh chu với áo sơ mi trắng, quần tây.

“Sao làm tự do rồi mà ăn mặc như dân văn phòng vậy?”

“Tự do nhưng không có nghĩa là rảnh rỗi. Mình ngồi đây thôi chứ khách hàng gọi là phải đi liền”, Thủy đáp.

Đã có sáu năm kinh nghiệm làm môi giới bất động sản, Thủy từng lăn lộn tại nhiều công ty môi giới, từ những tập đoàn có cả hàng ngàn nhân viên đến những sàn nhỏ quy mô chỉ vài chục người. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, nữ môi giới này quyết định nghỉ việc ở công ty để chính thức trở thành môi giới tự do.

“Làm công ty gò bó về thời gian, lương căn bản thì rất thấp, thường xuyên bị la mắng, áp lực khi không đủ doanh số”, Thủy liệt kê một loạt lý do nghỉ việc.

Tuy nhiên, Thủy cho rằng, những lý do trên chỉ là một phần của quyết định. Nguyên nhân quan trọng hơn là sau sáu năm tích lũy kinh nghiệm và mối quan hệ, Thủy cho rằng mình có thể làm một cái gì đó mới mẻ và chấp nhận thử thách để có thể đạt được những kết quả tốt hơn. Hiện nay, khách hàng chủ yếu của cô đều là những mối quan hệ được xây dựng từ công ty cũ.

“Khi quyết định làm việc tự do thì phải đánh đổi nhiều thứ. Trước hết là không có lương, không có hỗ trợ makerting, không thưởng mỗi dịp lễ, tết. Nhưng đổi lại, giờ giấc thì thoải mái, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, không phải chung chi hoa hồng với ai”, Thủy nói.

Theo Thủy, trước khi quyết định trở thành môi giới tự do cần phải có một số điều kiện như: kinh nghiệm tư vấn, kiến thức về thị trường; phải có mối quan hệ với những khách hàng ruột; dù làm việc tự do nhưng phải kết nối tốt với đồng nghiệp, các công ty, sàn môi giới để có giỏ hàng phong phú.

Để có được những điều kiện như vậy không hề đơn giản. Trước khi nghĩ tới việc làm môi giới tự do thì cần có ít nhất vài năm làm tại các công ty, sàn môi giới chuyên nghiệp để được đào tạo bài bản.

Sau hơn 1 năm làm việc tự do, Thủy hài lòng với mức thu nhập hiện tại. Theo nữ môi giới, vì phải tự chủ tài chính trong mọi trường hợp nên khi làm việc tự do cần tính toán, cân nhắc kỹ để lựa chọn phương án bán hàng thích hợp. Thay vì chạy đua quảng cáo nhiều kênh gây tốn kém, Thủy tập trung chăm sóc các khách hàng đã quen và từ đây xây dựng thêm các mối quan hệ mới do những khách này giới thiệu.

Giám đốc một công ty môi giới bất động sản tại Thủ Đức chia sẻ, tình trạng môi giới làm việc vài năm rồi xin nghỉ để làm tự do không hiếm. Thậm chí nhiều người lại thành công khi “tác chiến” độc lập. Tuy nhiên, số lượng này rất ít. Thông thường những người này cũng đã khẳng định được năng lực tại công ty, có nhiều mối quan hệ. Họ ra đi vì có nhiều tham vọng hơn.

Phần lớn các môi giới còn lại lựa chọn nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực, thiếu kiên nhẫn, chê tiền lương ít… Một thời gian ngắn sau đó, họ nhận ra sai lầm khi năng lực yếu kém, không có kỹ năng, không mối quan hệ khách hàng và cũng không có sản phẩm để giao dịch. Thậm chí, trong trường hợp môi giới dính vào các rủi ro với khách hàng, họ cũng không có một tổ chức nào đứng ra bảo vệ.

Ngoài ra, để làm việc tự do thì môi giới cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng. Nếu thiếu kỷ luật, không khéo quản lý về thời gian và công việc, mọi kế hoạch sẽ bị phá sản từ lúc nào không biết.

Bên cạnh đó, việc hành nghề tự do khiến nhiều môi giới thường được coi như là “cò đất”. Trong cách nhìn hiện nay, những đối tượng này thường lừa lọc, trục lợi từ người mua. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của môi giới tự do.

Hiện nay, pháp luật cũng quy định người hành nghề môi giới bất động sản phải được cấp chứng chỉ. Do đó, để hướng đến một tương lai bền vững hơn với nghề môi giới, họ cần tham gia những tổ chức chính quy, chuyên nghiệp.

Ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết hiện cả nước có khoảng 300.000 người làm nghề môi giới bất động sản. Trong đó có khoảng 265.000 người chưa có chứng chỉ.

Các nhà môi giới chủ yếu tập trung ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM, trong đó Hà Nội có khoảng 70.000 người, TP.HCM khoảng 90.000 người. Tuy nhiên, chỉ 50% trong số đó là nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên tại các sàn trên thị trường. Số còn lại vẫn hoạt động tự do một cách tự phát.

Theo CafeLand