Những dự án hạ tầng chờ ngày về đích

Thứ tư, 18/09/2019, 09:27 GMT+7
Những dự án hạ tầng chờ ngày về đích

Những dự án hạ tầng chờ ngày về đích

Chuyện dự án chậm tiến độ đã chẳng còn xa lạ gì đối với những dự án bất động sản và hạ tầng giao thông. Nhưng trễ hẹn đến cả chục năm và phải điều chỉnh vốn đầu tư tăng cả ngàn tỉ đồng thì không phải dự án nào cũng bị như vậy.

Các dự án hạ tầng chậm tiến độ hoàn thành, đội vốn ngân sách đều có những điểm chung là vướng mắc trong khâu thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn và giải phóng mặt bằng.

Chuyện dự án chậm tiến độ đã chẳng còn xa lạ gì đối với những dự án bất động sản và hạ tầng giao thông. Nhưng trễ hẹn đến cả chục năm và phải điều chỉnh vốn đầu tư tăng cả ngàn tỉ đồng thì không phải dự án nào cũng bị như vậy.

Các dự án hạ tầng chậm tiến độ hoàn thành, đội vốn ngân sách đều có những điểm chung là vướng mắc trong khâu thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn và giải phóng mặt bằng.

Trong số các dự án, CafeLand xin chọn ra ba dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, được đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng, khi hoàn thành sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cả một khu vực. Chỉ có điều lúc này cả ba vẫn đang dang dở, chờ ngày về đích.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên)

 

 

Metro số 1 là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại TPHCM. Tuyến này có tổng chiều dài là 19,7 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm với ba nhà ga và 17,1 km đi trên cao với 11 nhà ga. Metro là dự án được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt giao thông thành phố trong tương lai theo hướng hiện đại hóa hội nhập với quốc tế.

Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt lần đầu vào năm 2007 với tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỉ đồng. Đến năm 2011, dự án được điều chỉnh lên hơn 47.000 tỉ đồng, tăng thêm 30.000 tỉ đồng so với dự tính. Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là hơn 41.800 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách thành phố.

Được khởi công tháng vào tháng 08/2012, dự án dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018. Sau đó, ngày vận hành dự án được lùi đến năm 2020. Thế nhưng mới đây, Ban quản lý Đường sắt Đô thị cho biết, dự án tuyến metro số 1 sẽ đưa vào khai thác vào năm 2021 thay vì 2020 như kỳ vọng. Nguyên nhân là do Bộ Xây dựng chưa có ý kiến về thiết kế điều chỉnh để Hội đồng thẩm định dự án thực hiện bước tiếp theo.

Liên quan đến nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, UBND TPHCM đã gửi tờ trình tới Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính để chờ ý kiến. Trong tờ trình, thành phố điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 47.325,2 tỉ đồng.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Những dự án hạ tầng chờ ngày về đích

Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt trên cao của hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội. Tuyến bắt đầu tại ga Cát Linh (quận Đống Đa), đi qua ga Thượng Đình và kết thúc ở ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi hoàn toàn trên cao qua 12 ga với tổng chiều dài là 13,1 km.

Ý tưởng thực hiện tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được đưa ra từ năm 2003. Tại thời điểm đó, hướng đi Hà Đông khó mở rộng do vướng các công trình hai bên đường Nguyễn Trãi. Tuyến đường sắt này được kỳ vọng sẽ là cầu nối liên vùng, giải quyết được áp lực giao thông và áp lực dân số (Hà Đông lúc bấy giờ vẫn là trung tâm của tỉnh Hà Tây).

Năm 2008, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông thông qua nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Tổng mức đầu tư dự toán vào thời điểm đó là 552,86 triệu USD (8.770 tỉ đồng), trong đó vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD.

Dự án được chính thức khởi công từ tháng 11/2011 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013. Tuy nhiên, do trong quá trình thi công và thử nghiệm đã gặp nhiều vấn đề, ngày đưa vào hoạt động đã bị trì hoãn nhiều lần. Từ mức chi phí xây dựng ban đầu 552,86 triệu USD đã đội lên mức 868 triệu USD (hơn 18.000 tỉ đồng), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 670 triệu USD.

Mới đây, trong phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ, tuyến Cát Linh - Hà Đông được nhắc tới. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/09/2019 về tiến độ chạy thử và đưa vào sử dụng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, không để tình trạng chậm trễ kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân. 

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

Những dự án hạ tầng chờ ngày về đích

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, tiếp nối với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương; điểm cuối tại phía bắc cầu Mỹ Thuận, kết nối với đường dẫn lên cầu Mỹ Thuận hiện hữu. Theo UBND tỉnh Tiền Giang, tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1 km đi qua địa bàn 26 xã, phường của tỉnh.

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công lần thứ nhất vào tháng 11/2009 do tám đơn vị (gồm Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, cùng bảy tập đoàn kinh tế và các công ty) thực hiện với tổng mức đầu tư 19.000 tỉ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào quý 3/2013.

Tuy nhiên ngay sau khi khởi công, dự án tạm dừng vì phải điều chỉnh thiết kế nút giao thông Thân Cửu Nghĩa.

Đến tháng 02/2012, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiếp nhận nguyên trạng dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận do BIDV từ chối triển khai tiếp. Dự án tạm dừng do không huy động được vốn đầu tư.

Tháng 10/2014 Thủ tướng chấp thuận đầu tư dự án theo hình thức BOT, giao Bộ GTVT chỉ định nhà đầu tư.

Đến tháng 02/2015, dự án khởi công lần thứ hai. Lần này dự án do sáu doanh nghiệp góp vốn đầu tư, với tổng mức đầu tư 14.678 tỉ đồng. Dự kiến hoàn thành vào năm 2018, nhưng đến tháng 06/2017, dự án được điều chỉnh vốn đầu tư xuống còn 9.668 tỉ đồng và điều chỉnh ngày hoàn thành vào năm 2020.

Sau nhiều phen lận đận, hiện nay dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã được chuyển giao từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang. Dự án cũng đang được xem xét điều chỉnh lên 12.500 tỉ đồng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận phải được thông tuyến vào năm 2020 và khánh thành toàn tuyến vào năm 2021.

Theo CafeLand