Nhu cầu cao, nhưng phải là nhu cầu ở thực

Thứ sáu, 01/06/2018, 11:18 GMT+7
Khách hàng mua một dự án phục vụ nhu cầu ở thực tại phía Đông Bắc TP.HCM

Khách hàng mua một dự án phục vụ nhu cầu ở thực tại phía Đông Bắc TP.HCM

Ông Phan Trường Sơn đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, hiện có ít nhất 4.760 hộ gia đình tại thành phố này còn khó khăn về nhà ở.

 

 

 

 

 

 

Tuy nhiên theo ông Sơn, nhu cầu cao vậy nhưng phải có sản phẩm phù hợp sức mua của người cần nhà để ở. "Chủ đầu tư phải nghiên cứu thị trường, cơ cấu sản phẩm phù hợp để tránh rơi vào vết xe đổ khủng hoảng và đóng băng BĐS. Các dự án có giá từ 1-2 tỉ rất ít", ông Sơn chỉ rõ.

  

Tại một lễ mở bán căn hộ ở quận 7, hàng ngàn nhân viên bán hàng mướt mồ hôi trên khu đất đang đóng cọc móng. Trước đó hai tháng, họ vất vả gọi điện thoại liên tục, chạy đôn chạy đáo để kéo khách tới tham quan nhà mẫu của ngày mở bán này.

Với khoảng hơn 2.000 căn hộ mở bán trong dịp này quả là một áp lực lớn. Một lãnh đạo của công ty BĐS sở hữu dự án này tặc lưỡi "Đuối quá, sức mua đang giảm 1/3 so năm ngoái".

Trong một diễn biến ngược lại, các lễ mở bán nhà vừa tiền của Phú Mỹ Hưng ở quận 7 trong 3-4 đợt gần đây đều phải quay số, ai trúng được mua. Điều này cho thấy một sự chuyển hướng rất đáng lưu ý: ngay cả các chủ đầu tư vốn chuyên làm bất động sản cao cấp như Phú Mỹ Hưng thì trong hơn nửa năm gần đây cũng bắt đầu làm nhà ở phân khúc vừa tầm tay hơn.

Thực tế, ông Ngô Quang Phúc, tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, vào thời điểm này khi người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn thì buộc các chủ đầu tư phải hướng dòng sản phẩm vào phục vụ đối tượng khách hàng mua nhà để ở là chính. Tuy nhiên, để có tiền đề làm điều này là không dễ trong bối cảnh giá đất tăng chóng mặt như vừa qua. "Riêng chúng tôi, chỉ xoáy vào các sản phẩm BĐS đáp ứng nhu cầu ở thực của đại bộ phận người dân. Đó là sản phẩm nhà ở, mà tâm điểm là căn hộ chất lượng cao cấp nhưng trong tầm chi trả của khách hàng, thậm chí khách hàng trẻ tuổi tích luỹ tài chính vài trăm triệu đồng" – ông Phúc chia sẻ. Cũng theo ông Phúc, trong bối cảnh giá nhà tăng và dần xa tầm tay của người dân thì các nhà phát triển BĐS cần tỉnh táo để "không té nước theo mưa", hùa theo thị trường để tăng giá làm thị trường BĐS mất tính bền vững.

Theo quan sát, tại các lễ mở bán những dự án chủ đầu tư làm chỉn chu và mức giá mỗi căn hộ 2 phòng ngủ ở mức 1,3-2 tỉ đồng rất hút khách. Sáng 26-5, PV có mặt tại buổi giới thiệu chính thức dự án Phú Đông Premier, dự án này có hơn 600 căn nhưng có tới 800 khách đặt mua. Dễ hiểu khi đây là dự án mỗi căn hộ có diện tích 2 phòng ngủ, được trang bị nội thất cao cấp, người mua nhà gần như chỉ xách đồ vào là có thể ở ngay.

Chỉ trong đầu năm 2018, chủ đầu tư Thuduc House cũng mở ba dự án căn hộ vừa túi tiền. Riêng trong tháng 4, công ty này đã công bố hai dự Citrine Apartment và TDH – River View. Ông Nguyễn Bảo Hoàng, tổng giám đốc Thuduc House cho biết, việc phát triển căn hộ vừa túi tiền hướng vào người mua nhà ở thực là mục tiêu thị trường của DN này. "Tuy nhiên, tại thời điểm giá BĐS nhiều nơi sốt ảo thì việc hướng dòng sản phẩm phù hợp tài chính cuả người mua nhà để ở là một bước giúp ổn định thị trường. Các sản phẩm mà chúng tôi phát triển trong thời điểm này có diện tích từ 49m2 với mức giá từ 1,2 tỉ đồng" – ông Hoàng chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, trong đầu tư nhà đất, khi giá tăng đã trên 50% - 70% chỉ trong vòng trên dưới 1 năm, ai cũng tin đầu tư nhà đất luôn thắng. Sức hút từ nhà đất khiến nhà nhà đầu tư, người người đầu tư. "Và thị trường đang ở điểm này, lúc người mua nhà đất không còn nói đến khả năng thanh toán hay cho thuê sinh lời của đầu tư nhà đất, mà chỉ tin rằng mua cao sẽ báo cao hơn thì thị trường đã tới giai đoạn "nguy hiểm". Thị trường BĐS đang hội tụ những điểm tạo khủng hoảng", - ông Hiển nói. Cũng theo ông Hiển, đây là lúc mà các nhà tạo lập BĐS phải tỉnh táo để cơ cấu lại nguồn cung, cơ cấu tái cấu trúc tài chính DN.

Lúc người mua nhà đất không còn nói đến khả năng thanh toán hay cho thuê sinh lời của đầu tư nhà đất, mà chỉ tin rằng mua cao sẽ báo cao hơn thì thị trường đã tới giai đoạn "nguy hiểm".

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển

ĐĂNG NGUYÊN