Quy hoạch Phú Quốc ra sao sau thông tin trở thành đặc khu?

Thứ hai, 28/05/2018, 10:36 GMT+7

Loạn phân lô bán nền, nhiều dự án không tuân thủ quy hoạch, mua bán đất rừng trái phép, lập dự án "ma" trên đất nông nghiệp... đã băm nát đảo Ngọc trước khi nơi này trở thành đặc khu.

 

 

 

 

TS Thái Đắc Liệt, nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết, tình hình đất đai trên đảo hiện rất phức tạp, việc phân lô bán nền, xây dựng trái phép không theo quy hoạch đang hết sức lo ngại.

Ông Liệt nói: "Qua theo dõi tôi thấy ở Phú Quốc việc quản lý, sử dụng đất đai phức tạp hơn các địa phương khác đang xây dựng cơ chế đặc khu là Vân Đồn và Bắc Vân Phong. Việc quản lý đất đai yếu kém dẫn đến sau này khi triển khai xây dựng theo quy hoạch, triển khai từng dự án rất khó khăn và muốn thực hiện được thì phải trả giá rất đắt. Ví dụ như tại Bãi Vòng đã bị băm nát hết rồi. Những dự án nhỏ, tự phát đã phá vỡ quy hoạch tổng thể".

Tại khu vực Bãi Sao, ông Liệt cho biết, tình trạng mua bán đất, kiện cáo, tranh chấp đang diễn ra phức tạp. "Khi thời tôi còn làm việc đã thực hiện quy hoạch khu này rồi nhưng tại vì mình không tiến hành triển khai bồi thường giải tỏa, thực hiện dự án. Và vùng đất này trở thành nơi thâu tóm đất của các “đại gia” đến từ nhiều nơi khác nhau. Nhiều hộ kinh doanh cá thể xây dựng hàng quán theo kiểu mạnh ai nấy làm, chẳng theo một quy hoạch nào cả. Tiếc cho một vùng bãi biển tuyệt đẹp trên đảo đã bị băm nát".

bất động sản Phú Quốc
Tranh chấp đất đai là vấn đề phức tạp tại Phú Quốc trong thời gian qua

Về việc Phú Quốc bị "băm nát", ông Liệt cho rằng nguyên nhân là do quản lý đất đai không gắn với quy hoạch và bị buông lỏng. Khi đã có quy hoạch tổng thể thì các bước triển khai phải tuân thủ nghiêm quy hoạch. Còn nếu quy hoạch theo từng cụm, từng vùng, tỉnh phải chi tiền để thực hiện. Chẳng hạn việc quy hoạch 900ha đất tại khu vực Bãi Vòng là sử dụng nguồn ngân sách tỉnh. Sau khi đã có quy hoạch tổng thể, Nhà nước đứng ra tổ chức đấu giá theo từng khu chức năng, mang số tiền lớn về cho ngân sách.

“Tôi thấy Bãi Trường là một vùng được quy hoạch khá bài bản. Tuy nhiên tại đây cũng có nhiều vấn đề phức tạp trong tranh chấp, bồi thường dẫn đến một số nhà đầu tư không triển khai được. Một số dự án đã được mua bán sang nhượng. Đáng chú ý, tại khu vực Bắc Bãi Trường chính quyền địa phương đã để cho nhà đầu tư xây dựng bít cả con đường xuống biển, trong khi quy hoạch hành lang biển là 100m tuyệt đối không được xây dựng. Mặt biển là của chung, của cộng đồng, của du khách, không phải của nhà đầu tư. Bây giờ nhà đầu tư nào cũng độc quyền mặt biển thì còn ai đi du lịch Phú Quốc”, ông Liệt nói.

Còn tại thị trấn Dương Đông, khu vực khách sạn Hương Biển, theo ông Liệt lẽ ra phải giải tỏa để tạo một không gian biển cho khu vực này vì công trình đã dày đặc nhưng chính quyền lại đồng ý xây thêm một khách sạn 5 sao sát mé biển. "Ở đây tôi thấy nó vừa sai về quy hoạch phát triển, vừa sai về kiến trúc và đụng đến vấn đề tâm linh khi công trình án ngữ giữa một bên là chùa chiền, một bên là Dinh Cậu”, ông Liệt nói.

Sau cuộc họp đầu tháng 5/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang vừa có ý kiến kết luận đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Quốc. Theo đó, công tác quản lý, điều hành của chính quyền còn hạn chế, việc quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng, dân cư, đô thị, môi trường, phòng chống phá rừng còn yếu kém, có nơi có biểu hiện buông lỏng. Tội phạm, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng. Tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ của một số cán bộ chưa cao.

(Theo Tienphong.vn)