Chuyên nghiệp hóa môi giới, phải làm từ gốc

Thứ ba, 26/06/2018, 12:33 GMT+7
(ĐTCK) Vai trò của một môi giới bất động sản là gì? Khác với cò đất chỉ cung cấp thông tin mua bán và hỗ trợ giấy tờ chút ít, một môi giới đúng nghĩa phải có đủ khả năng tư vấn toàn diện và đáng tin cậy cho từng nhu cầu của khách hàng và do đó, yêu cầu nâng chất, nâng chuẩn nghề môi giới đang được đặt ra rất cấp bách.

 

 

 

Môi giới - nòng cốt nhưng còn thiếu chuyên nghiệp

Sau hơn 20 năm hình thành, lực lượng môi giới bất động sản Việt Nam hiện có gần 200.000 người, hoạt động trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc độc lập. Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), các nhà môi giới chủ yếu tập trung ở hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, ở Hà Nội có trên 70.000 nhà môi giới; TP.HCM nhiều hơn, với trên 90.000 nhà môi giới.

Vai trò của các đơn vị môi giới nói chung, từng nhà môi giới nói riêng ngày càng được thể hiện rõ nét. Đây là lực lượng chủ đạo kết nối dự án tới thị trường, khách hàng. Theo đại diện VARS, đội ngũ môi giới đã góp phần không nhỏ trong việc giải phóng một lượng lớn bất động sản tồn kho trong giai đoạn 2014 - 2017. Trong giai đoạn này, có gần 100.000 giao dịch bất động sản thành công và ước tính, khoảng 70 - 75% giao dịch này được thực hiện thông qua các sàn môi giới.

Mặc dù vậy, VARS cũng thừa nhận, hoạt động môi giới ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Trình độ, kỹ năng còn chưa bắt nhịp được với thế giới, thậm chí so với các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Singapore... Phần lớn các nhà môi giới Việt Nam chưa có chứng chỉ nghề. Đây chính là thực tế và rào cản lớn cho sự chuyên nghiệp hóa của ngành môi giới nói riêng và sự vận hành của thị trường địa ốc nói chung.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn Giao dịch bất động sản MaxLand cho biết, những năm thập niên 90, tại Việt Nam vẫn chưa tồn tại khái niệm về thị trường bất động sản. Trước năm 1993, mọi giao dịch mua bán nhà đất chỉ cần ra phường làm giấy tay là đủ. Sau năm 2000 trở đi, thị trường mới dần dần hình thành khi giấy tờ xác nhận quyền sở hữu và sử dụng nhà, đất, còn gọi là sổ đỏ và sổ hồng ra đời. Những người hoạt động môi giới địa ốc dần xuất hiện và được gọi với cái tên không mấy thiện cảm là “cò nhà đất”.

Về bản chất, cò đất và môi giới chuyên nghiệp đều có vai trò cốt lõi là cầu nối cho người bán và người mua nhà đất. Khác biệt duy nhất là những yêu cầu về bằng cấp và kỹ năng mà một môi giới cần sở hữu trước khi chính thức hành nghề.

"Như nhiều cơn sốt đất cục bộ ở một số địa phương vừa qua, chúng ta có thể thấy ngay cả cánh xe ôm và những người buôn bán lặt vặt cũng ‘kiếm thêm’ bằng cách giới thiệu đất cho người có nhu cầu mua để hưởng tiền hoa hồng cả chục triệu đồng mỗi thương vụ. Không nhất thiết phải có bằng cấp, thu nhập lại cao, hàng loạt người xoay sang làm cò đất", ông Diễn nhấn mạnh và cho biết, từ sự bát nháo đó, không biết bao vụ lừa đảo đã xảy ra khiến cái danh “môi giới” ngày càng xấu đi.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Minh, trưởng văn phòng đại diện một sàn bất động sản có trụ sở tại quận 9, TP.HCM cho biết, trong thời gian vừa qua, có không ít trường hợp chủ đầu tư, công ty môi giới cung cấp các thông tin về sản phẩm không đầy đủ, hoặc không đúng cho người tiêu dùng.

"Chúng tôi đã chứng kiến có những công ty môi giới ký hợp đồng đặt cọc với người mua nhà hình thành trong tương lai và thu từ 50 - 70% giá trị hợp đồng. Việc những công ty môi giới tự ý ký hợp đồng với khách hàng là vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản”, ông Minh nói và cho biết thêm, một số công ty môi giới phía Nam đã tự ý thay đổi tên dự án, tên chủ đầu tư để người mua, không biết đâu mà lần, không thể tìm được thông tin chính xác về dự án và chủ đầu tư.

Thậm chí, có những công ty môi giới tự ý vẽ thêm vào bản đồ dự án những dịch vụ, tiện ích không có thật để lừa dối người tiêu dùng và nâng giá bán. Điều đó đã gây thiệt hại lớn cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp.

Cần giải pháp nâng chất nghề môi giới

Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định, người môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề. Sau đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 11/2015/TT-BXD quy định các môi giới phải có chứng chỉ hành nghề thì mới được phép hoạt động. Thông tư có hiệu lực từ ngày 16/2/2016. Theo đó, nhân viên môi giới phải thi sát hạch để nhận chứng chỉ hành nghề.

Để được cấp chứng chỉ này, nhân viên môi giới phải vượt qua nhiều phần kiểm tra kiến thức. Trong đó, kiến thức cơ sở về pháp luật, thị trường, đầu tư trong ngành bất động sản..., cũng như các kiến thức chuyên môn về dịch vụ, quy trình và kỹ năng môi giới bắt buộc phải nắm vững. Về đầu vào, người dự thi phải có hồ sơ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên và đạt đủ điểm sát hạch thì mới được cấp chứng chỉ. Như vậy, việc trở thành một nhân viên môi giới thực thụ, về lý thuyết, trải qua nhiều bước khá kỹ càng. Đó là chưa kể các môi giới thường được quản lý bởi công ty, các sàn, có quy chế rõ ràng thay vì hoạt động tự do như cò đất.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VARS, nhờ việc quy định bắt buộc môi giới phải có chứng chỉ hành nghề, thời gian vừa qua, các hoạt động kinh doanh bất động sản đã được cải thiện đáng kể về độ minh bạch, cũng như chất lượng của người tham gia giao dịch trên thị trường. Với kiến thức tốt hơn và đặc biệt được đào tạo bài bản hơn về năng lực cũng như đạo đức nghề nghiệp nên các giao dịch được thực hiện nhanh chóng hơn, công khai hơn và giảm đáng kể những hành vi lừa đảo, gian dối trong môi giới bất động sản.

Tuy nhiên, dù các quy định pháp luật về nghề môi giới đã tương đối rõ ràng nhưng do chưa có chế tài đủ sức răn đe nên những hoạt động môi giới mang tính chụp giật, thiếu đạo đạo đức nghề nghiệp vẫn diễn ra ở một số nơi. Bên cạnh đó, lãnh đạo một số sàn giao dịch coi bán được hàng là mục tiêu cao nhất, thiếu sự sàng lọc, quản lý đội ngũ môi giới của mình. Tại nhiều sàn, hầu hết môi giới không có lương cứng mà ăn hoa hồng theo sản phẩm bán được. Để chuyên nghiệp hóa hoạt động môi giới, những hiện tượng này cần được chỉ ra để có giải pháp khắc phục.

Ông Đính cho biết, với vai trò là một tổ chức xã hội nghề nghiệp về hoạt động môi giới, trong thời gian vừa qua, VARS đã liên tục thực hiện các chương trình bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ và hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho các đại lý, doanh nghiệp, môi giới viên trong lĩnh vực phân phối bất động sản.

Tính đến nay, sau gần 3 năm Thông tư 11 quy định hành lang pháp lý cụ thể cho nghề môi giới được ban hành, VARS đã hỗ trợ đào tạo và tiến hành cấp chứng chỉ môi giới cho hàng chục ngàn hội viên. Bên cạnh đó, Hội cũng tiến hành mở văn phòng đại diện tại nhiều thị trường mới như Thanh Hóa, Vân Đồn, Phú Quốc, Thái Nguyên…, nhằm cập nhật tình hình kịp thời tại các địa phương, để từ đó hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc thanh kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản.

Tuy nhiên, theo ông Đính, bên cạnh siết lại công tác quản lý hoạt động môi giới bất động sản, thì mỗi môi giới cần ý thức được rằng, niềm tin của khách hàng, của các chủ đầu tư là tài sản quan trọng nhất, là cái gốc của nghề môi giới. Do đó, cần thường xuyên tự học, tự nghiên cứu để nâng cao năng lực, sự hiểu biết để có thể tư vấn đầy đủ và đáng tin cậy cho khách hàng.

“Lượng hội viên hành nghề môi giới địa ốc được cấp chứng chỉ thời gian qua đã tăng lên tương đối nhanh. Tuy nhiên, nếu so sánh với số lượng hàng trăm người đang hoạt động trong ngành này thì vẫn còn quá ít. Do đó, cùng với việc lãnh đạo các sàn cần khắt khe hơn trong việc tuyển dụng, đào tạo thì cần sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông trong việc minh bạch hóa hoạt động môi giới, vận động, tuyên truyền, khuyến khích các môi giới chủ động trong việc tự cập nhật kiến thức, tham gia các lớp đào tạo và thi cấp chứng chỉ để góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững”, ông Đính nói.     

Theo Việt Dương
Báo Đầu tư Bất động sản