1. Pháp lý của nhà ở
Có 3 loại giấy tờ trong giao dịch mua bán nhà ở là giấy tay, sổ đỏ hoặc sổ hồng. Loại nhà ở chỉ có giấy tay thì giá luôn rẻ hơn nhưng cũng đi kèm rủi ro rất lớn, thậm chí mất trắng. Mua nhà sổ đỏ hoặc sổ hồng sẽ tốn nhiều tiền hơn nhưng chắc chắn bạn sẽ được an tâm, thoải mái. Hơn nữa, với tài sản có giấy tờ hợp pháp thì muốn bán lại sau này cũng dễ hơn.
2. Kiểm tra kỹ quy hoạch, nhất định không mua nhà ở khu quy hoạch treo
Dù mất khá nhiều thời gian nhưng nhất định bạn không được bỏ qua khâu kiểm tra quy hoạch của khu vực định mua. Dù rất rẻ nhưng bạn đừng mua nhà vướng quy hoạch treo, bởi sau này muốn bán cũng không ai dám mua.
Các quy hoạch đã duyệt sẽ được thực hiện thông qua việc cụ thể hoá các dự án, tiểu dự án. Khi chính quyền đã giao đất cho các dự án mà triển khai chậm tiến độ hoặc không triển khai thì các dự án này được gọi là "dự án treo".
Theo quy định hiện hành, nhà đất nằm trong quy hoạch treo không được phép xây dựng mới, không được sửa chữa và cải tạo mà phải giữ nguyên hiện trạng... gây rất nhiều phiền phức, khổ sở nếu bạn mua phải.
Thị trường bất động sản tại Việt Nam có những đặc thù riêng nên khi mua
nhà ở cần xem xét kỹ. Ảnh minh họa: CNBC.
3. Nắm rõ địa chỉ các cơ quan chức năng để biết được thông tin về đất - nhà
Bạn cần đến Phòng Tài nguyên môi trường ở quận/huyện nơi có bất động sản định mua để kiểm tra quy hoạch đất; đến Phòng Quản lý đô thị ở quận/huyện nơi có bất động sản định mua để kiểm tra tầng cao, mật độ xây dựng, khoảng lùi, hệ số sử dụng đất. Một nguyên tắc bạn cần nhớ là phải hỏi đúng việc ở đúng chỗ.
4. Xem kỹ tường khi mua nhà
Ba khái niệm "tường riêng", "tường chung" và "tường mượn" bạn phải nắm rõ khi mua nhà. Ngôi nhà có tường riêng là tốt nhất vì bạn được chủ động quyết định việc xây sửa lại nhà. Với nhà có tường chung với căn liền kề bên cạnh, trường hợp bạn xây lại nhà trước thì bạn bị thiệt một khoảng đất rộng bằng 1/2 độ rộng của bức tường chung đó, khoảng 5 cm dọc theo bức tường. Đặc biệt, nếu ngôi nhà định mua là tường mượn, thì khi nhà bên cạnh xây dựng, bạn buộc phải xây theo vì đó là bức tường đi mượn, không phải tường của ngôi nhà bạn sở hữu.
5. Quan tâm hàng xóm xung quanh
Lối sống của hàng xóm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Ngoài ra, bạn cũng cần nhớ rằng, nhà khó mua nhất chính là nhà hàng xóm sát vách. Hơn nữa, khi bán nhà cho hàng xóm sát vách và người thân, bạn sẽ rất dễ bị thiệt vì hay bị ép giá. Vì thế bạn cần duy trì mối quan hệ thật tốt với hàng xóm của mình.
6. Tìm hiểu thông tin mua bán nhà từ những người xung quanh
Báo chí và internet không phải là nguồn thông tin tốt nhất cho bạn khi mua bán nhà mà là từ các mối quan hệ xung quanh. Nếu bạn luôn cư xử đúng mực và tử tế với mọi người, rất có thể may mắn lại bất ngờ đến với bạn.
7. Thời gian có thể làm thay đổi các quan niệm về nhà đất
Khi mua nhà, ai cũng quan niệm rằng đất nở hậu mới là đẹp và cũng dễ bán lại hơn. Nhưng thực tế, hiện giờ đất càng có mặt tiền rộng càng có giá trị, nhất là với mặt phố. Ở cùng một khu vực và diện tích tương đương thì đất có mặt tiền rộng và độ sâu ngắn chắc chắn sẽ có giá trị hơn so với đất có mặt tiền hẹp và độ sâu dài.
8. Hãy định giá nhà bằng cách so sánh
Nếu ngôi nhà bạn định mua chưa có giá bán rõ ràng, bạn hãy hỏi thăm ngôi nhà kế bên. Chẳng hạn, cùng diện tích, cùng cấu trúc mà giá nhà gần đó là 5 tỷ thì chắc chắn ngôi nhà mà bạn muốn mua cũng có giá bán dao động quanh mốc này.
9. Mua nhà không hẳn là giải pháp tốt nhất
Trường hợp bạn làm ở quận 7 mà chỉ đủ tiền mua nhà ở quận 12, mỗi ngày bạn mất khoảng 3 giờ đồng hồ đi lại thì không nên mua mà hãy thuê nhà gần chỗ làm để ở. Bạn có thể sử dụng số tiền dư ra từ việc không mua nhà để đầu tư, làm ăn, vài năm sau, có thể bạn đã đủ tiền mua nhà ở gần hơn.
10. Nên ở thử trước khi mua
Bạn rất thích một căn chung cư cao cấp nhưng còn phân vân chưa quyết, hãy mạnh dạn thuê để ở thử từ 3-6 tháng. Sau một thời gian ở thử, nếu thấy quyết định của mình đúng đắn thì bạn đặt mua cũng chưa muộn. Trường hợp không thích căn hộ này, bạn vẫn còn nhiều cơ hội và lựa chọn khác.
(Theo Vnexpress)