Ông Stephen Wyatt, TGĐ JLL Việt Nam cho rằng, tương tự như quá trình phát triển của các quốc gia khác mà JLL đã chứng kiến, thị trường KCN Việt Nam đang trên đà chuyển mình và hướng đến một tầm cao mới, sở hữu nhiều yếu tố then chốt để trở thành trung tâm công nghiệp mới của ĐNA.
Lợi thế vị trí và đầu tư phát triển hạ tầng
Từ trước đến nay Việt Nam luôn được đánh giá là quốc gia sở hữu vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế. Nằm giữa Trung Quốc và Singapore, Việt Nam là trung tâm trung chuyển, một trong những khu vực giao thương đường biển trọng yếu của thế giới và khu vực.
Ngoài ra, những năm gần đây Việt Nam cũng là nước đứng đầu khu vực về tập trung đầu tư nguồn vốn vào phát triển hạ tầng. Theo ngân hàng phát triển Châu Á, 5,8% GDP Việt Nam được chi cho phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm hệ thống đường cao tốc, cảng nước sâu, nâng cao chất lượng hệ thống điện nước, hệ thống tái tạo năng lượng…
Phát triển kinh tế theo định hướng xuất khẩu
Định hướng phát triển của Việt Nam là theo mô hình xuất khẩu và khuyến khích kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu. Điều này được thể hiện rõ qua việc phát triển các KCN và kinh tế trọng điểm tại ba miền Bắc - Trung - Nam.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để trở thành
trung tâm công nghiệp mới của Đông Nam Á. Ảnh minh họa
Việt Nam đang dần trở thành một trong những điểm thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực ĐNA. Nếu thời điểm năm 1986, Việt Nam chỉ có khoảng 335ha đất dành cho các KCN, thì 10 năm trở lại đây, đất KCN đã tăng lên hơn 80.000 ha. Theo kế hoạch phát triển, đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi quy mô thị trường hiện tại.
Đồng thời việc tham gia vào FTA cũng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cho các công ty nội địa và nước ngoài.
Sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc
Trung Quốc từng được ví là nhà xưởng của thế giới và Việt Nam là nước láng giềng gần gũi về đường biên giới và giao thương với Trung Quốc. Hiện nay, quốc gia này đang có động thái dịch chuyển từ nền công nghiệp cơ bản sử dụng nhiều lao động sang thành thị trường tập trung vốn. Sự chuyển biến này đã tạo ra làn sóng dịch chuyển công xưởng ra khỏi Trung Quốc đến các nước khác trong khu vực ĐNA mà Việt Nam là điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất.
Bên cạnh đó, khả năng chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng tạo ra tác động lớn làm dịch chuyển làn sóng thương mại từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ưu đãi thuế quan và chi phí gia công thấp cũng là những yếu tố khiến Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, các công ty sản xuất và các chuỗi cung ứng nước ngoài.
Sự tăng trưởng của thị trường logistic và cách mạng 4.0
Nhiều chuyên gia quốc tế đều có chung nhận định, thị trường logistic Việt Nam sẽ phát triển nổi bật trong 5-10 năm tới. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu với thu nhập cao cộng với sự lan tỏa mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử đang là những sung lực cho thị trường công nghiệp sản xuất phát triển.
Thị trường logistic của Việt Nam sẽ phát triển nổi bật trong 5-10 năm tới. Ảnh minh họa
Sự bùng nổ thương mại điện tử đồng nghĩa với nhu cầu kho xưởng sẽ tăng theo. Việc thích nghi nhanh và nắm bắt thay đổi công nghệ tự động hóa 4.0 trong ngành công nghiệp tại Việt Nam cũng là động lực để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai của nhà đầu tư quốc tế.
Ba yếu tố kìm hãm sự phát triển:
Sở hữu 4 lợi thế nói trên nhưng thị trường BĐS khu công nghiệp Việt Nam vẫn bị đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn vốn đầu tư quốc tế còn hạn chế do nhiều đối tác vẫn e ngại. Theo bà Trang Lê, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam, nguyên nhân chính kìm hãm sự bùng nổ của BĐS công nghiệp Việt Nam đến từ 3 yếu tố: hạ tầng, pháp lý và nguồn nhân lực.
Hiện nay, tốc độ phát triển hạ tầng của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của thị trường. Dù có nhiều cải thiện nhưng so với các nước trong khu vực, phát triển hạ tầng tại Việt Nam bị đánh giá là chậm và thiếu đồng bộ trong quy hoạch chung, chưa đáp ứng được nhu cầu của BĐS công nghiệp trong tương lai.
Việc giao thương tại Việt Nam cũng vướng nhiều khó khăn do thủ tục pháp lý và chi phí hành chính. Ví như thời gian xét duyệt một kiện hàng hóa tại Việt Nam mất từ 102-160 giờ, nhiều hơn 62 giờ so với các nước trong khu vực, trong khi chi phí hành chính phức tạp, gây tốn kém, thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền.
Về nguồn nhân lực, dù mức lương lao động Việt Nam khá rẻ (chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc) nhưng lao động Việt Nam có trình độ thấp, thiếu kỹ năng, chưa phát triển đồng bộ. Đây là nguyên nhân khiến dây chuyền sản xuất công nghiệp tại Việt Nam chưa sánh kịp với nhiều nước trong khu vực.
Phương Uyên