Khóc ròng với chủ đầu tư

Thứ năm, 06/10/2016, 11:07 GMT+7
Bỏ ra tiền tỷ, thậm chí vay mượn người thân, bạn bè để mong có nhà an cư nhưng khách hàng đợi mãi vẫn không nhận được nhà, trong khi chủ đầu tư thì “bóng chim tăm cá”.

khoc-rong-voi-chu-dau-tu
Dự án khu dân cư, căn hộ 584 Lilama SHB Plaza nằm “đắp chiếu”.

“Điệp khúc” gom tiền rồi… lặn

Gần đây, báo chúng tôi nhận hàng loạt đơn phản ánh Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình 584 (Cty 584) vi phạm nghiêm trọng hợp đồng mua bán nhà, khiến họ có khả năng mất “cả chì lẫn chài”.

Anh Phong (42 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho biết, vào năm 2008, ký hợp đồng mua căn hộ tại Dự án chung cư 584 Tân Kiên Bình Chánh của Cty 584 thời hạn bàn giao nhà vào quý 3/2010. Anh Phong đã thanh toán 90% giá trị hợp đồng cho Cty 584. “Trễ hạn không thấy chủ dự án bàn giao nhà, chúng tôi đến Cty 584 hỏi được chủ đầu tư trả lời đang xin chuyển mục đích công trình chung cư này thành bệnh viện. Bức xúc việc chây ì, nhiều khách hàng khởi kiện Cty này ra tòa. Từ sơ thẩm đến phúc thẩm, tòa xử khách hàng thắng kiện nhưng Cty 584 vẫn không trả tiền”, anh Phong cho biết.

Ngoài bê bối dự án trên, Cty 584 còn bị hàng trăm khách hàng phản ánh việc chậm trễ giao nhà tại dự án khu dân cư - căn hộ 584 Lilama SHB Plaza trên đường Nguyễn Văn Dung, quận Gò Vấp. Theo cam kết thì chủ đầu tư giao nhà cuối năm 2012 nhưng đến nay sau gần 4 năm dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.

Trong khi đó, Cty 584 đã thu tiền của khách hàng tại dự án 584 Lilama SHB trên đường Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú, nhưng đến nay dự án vẫn nằm “bất động” dù thời hạn giao nhà đã trễ 5 năm. Trước những bê bối của Cty 584, ông Lê Văn Khoa - Phó chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan chức năng tạm ngưng giải quyết các dự án phát triển đô thị mới của Cty này và ngưng cấp phép dự án mới cho đến khi Cty 584 giải quyết xong tồn tại của các dự án cũ.

Cùng chung tình cảnh, hàng chục khách hàng “dở khóc, dở cười” khi mua nền đất tại Dự án khu dân cư Thái Sơn - Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TPHCM thuộc Tổng Cty Thái Sơn. Chị Lan (35 tuổi, ngụ quận 11) cho biết, cuối năm 2008, chị mua 2 nền đất tại dự án này hơn 7 tỷ đồng. Đóng tiền xong thời gian thì chị phát hiện dự án… “đắp chiếu” cho đến nay. Ông Nguyễn Kim Thọ - Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Thái Sơn nói lý do chậm vì dự án còn vướng 7% đất thổ mộ chưa thương lượng được.

“Nuốt” không trôi… thì bán dự án?

Những khách hàng mua đất nền tại Dự án 6A thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM của Cty CP đầu tư kinh doanh nhà (Intresco) cũng rơi vào tình trạng khốn đốn. Vụ việc này kéo dài đến nay gần 14 năm khiến hàng trăm khách hàng “khóc ròng”. Chị Huyền (ngụ Tân Bình) ngao ngán: “Năm 2003, tôi mua lại một nền đất với giá 1.2 tỷ đồng, Cty Intresco dự kiến thời gian bàn giao nền là 36 tháng.

Đóng tiền theo tiến độ một thời gian thì phát hiện dự án vẫn bất động vì dự án vướng giải tỏa, đền bù”. Tương tự, để có tiền mua hai nền đất tại Dự án 6A, anh Hải (ngụ quận Bình Thạnh) bán căn nhà mặt tiền ở quận Bình Thạnh và vay mượn thêm bạn bè. Không nhận được đất nền để xây nhà, 12 năm qua gia đình anh phải thuê nhà sống tạm bợ, hai vợ chồng “nai lưng” làm để trả dần số tiền đã vay mượn trước đó. Còn chủ đầu tư thì lần lữa.

Lùm xùm giải quyết việc giao đất chưa ngã ngũ thì Dự án 6A có dấu hiệu bán cho đối tác. Theo tìm hiểu của PV, tháng 3/2009, Cty Intresco đã có văn bản gửi cho Cty TNHH Vạn Thịnh Phát với nội dung: “Có 47 khách hàng đã góp vốn đầu tư vào dự án 6A thuộc khu đô thị mới Nam TPHCM, thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh nay thuộc một phần diện tích của quý Cty... Để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của nhà đầu tư với khách hàng… Đề nghị Cty ký kết ngay hợp đồng góp vốn đầu tư đất ở với các khách hàng nêu trên”. Tuy nhiên, Cty Vạn Thịnh Phát không thực hiện.

Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Châu - Giám đốc Cty Intresco lấp lửng: “Cty đã không bán dự án và không phủi trách nhiệm với khách hàng. Do trong quá trình đầu tư phát sinh nhiều vướng mắc khiến dự án rơi vào cảnh khó khăn”. Ông này còn biện bạch: Năm 2004, Intresco được thành phố giao hơn 47 ha để làm dự án.

Đến năm 2007, nhận thấy quy mô dự án quá lớn, Cty không có khả năng làm, UBND thành phố đã tách hơn 25 ha trong tổng diện tích dự án giao cho Cty Vạn Thịnh Phát tổ chức giải tỏa, đền bù. Đại diện Intresco thừa nhận việc tách nhỏ dự án khiến khách hàng bị ảnh hưởng. “Để đảm bảo quyền lợi khách hàng, Intresco nhiều lần có văn bản đề nghị Cty Vạn Thịnh Phát ký hợp đồng với khách hàng, nhưng đơn vị này lấy lý do chưa giải tỏa, đền bù xong nên không chịu ký”- ông Châu trình bày.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho rằng đây là dự án tư nhân, họ đã đổ vốn thực hiện dở dang thì cơ quan quản lý nhà nước phải động viên để họ tiếp tục hoàn thiện. Việc dự án ngưng trệ là ngoài mong muốn. “Chúng tôi luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp chuyển nhượng dự án cho những nhà đầu tư có năng lực hoàn thiện tiếp theo, nếu họ không còn khả năng”- ông Tuấn nói thêm.

Luật sư Đoàn Việt Thắng - Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận cho biết, khách hàng phản ứng Intresco là đúng khi dự án chưa thực hiện xong giải tỏa, đền bù mà bán cho khách hàng. “Đối với những khách hàng ký hợp đồng góp vốn với Cty có ràng buộc điều khoản đầy đủ có thể yêu cầu Cty bồi thường. Riêng những khách hàng mua đất không ký hợp đồng mà chỉ ký nhận bằng phiếu thu tiền nếu không muốn tiếp tục theo đuổi dự án thì chỉ có thể nhận lại phần vốn góp. Đây có thể xem là bài học cho những khách hàng quá dễ dãi trong việc mua bán tài sản có giá trị lớn”-LS Thắng khuyến cáo.

Theo Đình Du
Tiền phong