Hầu hết các nhà môi giới bất động sản nước ngoài khi đến Việt Nam đều chọn Tp.HCM làm điểm đến đầu tiên, sau đó lan ra những địa bàn khác. Họ nhắm đến các phân khúc từ cao cấp đến hạng sang.
Ngày 25/7, Tp.HCM đã diễn ra buổi họp báo thành lập Công ty TNHH Propnex Realty (Việt Nam) và chuyển nhượng thương hiệu Công ty Propnex (Singapore). Đây là thương hiệu tư vấn và phân phối bất động sản lớn nhất đảo quốc sư tử. Sau khi đã mở trụ sở tại Singapore, Indonesia, Malaysia, đơn vị này đã chọn Việt Nam làm điểm đến tiếp theo.
Suốt 5 năm qua, trong các giao dịch mua bán nhà tại Singapore, Propnex luôn chiếm 30% thị phần và đã niêm yết sàn chứng khoán tại nước này. Dù mới tham gia vào thị trường Tp.HCM nhưng Propnex đã thể hiện tham vọng là đơn vị hàng đầu về dịch vụ bất động sản tại Việt Nam với phân khúc chủ đạo là phân khúc cao cấp.
Đi trước Propnex, ERA Real Estate - nhà môi giới bất động sản Mỹ cũng gia nhập vào thị trường Việt Nam từ quý III/2017. Được nhượng quyền tại Singapore, thương hiệu này đã thông qua Singapore để tiến vào Việt Nam.
Tính đến tháng 8/2018, ERA đã có 800 nhân viên chính thức và 600 cộng tác viên, nhân viên đang trong quá trình huấn luyện. Đơn vị này định vị cung cấp các dịch vụ môi giới, tư vấn, phân phối thị phần bất động sản từ cao cấp đến hạng sang rộng khắp Việt Nam, trong đó, chủ lực vẫn là thị trường Tp.HCM.
Nhà môi giới này mong muốn trong 5 năm tới sẽ trở thành đơn vị phân phối bất động sản hàng đầu Việt Nam, mở hơn 50 văn phòng giao dịch trên khắp các tỉnh thành trung tâm với 5.000 chuyên viên tư vấn được đào tạo bài bản.
Để nhanh thích nghi với thị trường Việt Nam, đơn vị này đã hợp tác với Eurocapital Group (tập đoàn đầu tư tư nhân đặt trụ sở tại Việt Nam từ năm 2008) để thành lập ERA Việt Nam.
Trong năm 2015-2016, doanh nghiệp này đã quản lý khoảng 350 triệu USD giá trị giao dịch. Dù mới chân ướt chân ráo bước vào thị trường Việt Nam nhưng nhờ hợp tác với đơn vị am hiểu thị trường Việt nên nhà môi giới Mỹ vẫn tiếp cận được rổ hàng hóa cao cấp, hạng sang của nhiều chủ đầu tư lớn.
Thị trường bất động sản Tp.HCM thu hút nhiều đơn vị
môi giới bất động sản nước ngoài. Ảnh: Lucas Nguyễn
Tháng 9/2016, Huttons, top 3 thương hiệu bất động sản tại Singapore cũng có mặt ở Việt Nam. Huttons tổ chức kinh doanh, môi giới tiếp thị bất động sản cao cấp với tham vọng vươn ra thị trường quốc tế để giúp người mua nhà dễ giao dịch bất động sản trên thị trường quốc tế.
Ngoài trụ sở chính tại Singapore, công ty này còn có hai trụ sở liên kết tại Philippines (Huttons MHT Co Inc) và Malaysia (Huttons One World SDN Bhd). Thị trường thứ 3 tại Đông Nam Á mà "ông lớn" bất động sản này hướng đến chính là Việt Nam.
Sớm hơn nữa, từ tháng 4/2015, thị trường Việt Nam cũng đã có thêm một thương hiệu đến từ Mỹ là Keller Wiliams. Dưới thương hiệu Keller Williams Commercial Northern Vietnam, Keller Williams hoạt động ở mảng bất động sản thương mại.
Tại Việt Nam, doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động ở mảng cho thuê, chuyển nhượng đầu tư với những dự án nhà ở cho thuê, thương mại, văn phòng, công nghiệp. Đơn vị này cũng sẽ định giá, tư vấn đầu tư, quản lý bất động sản...
Ông Nguyễn Anh Đào, Tổng giám đốc Công ty Viethome xác nhận: "4 năm gần đây (2015-2018) đúng vào giai đoạn thị trường bất động sản Việt Nam diễn ra những cơn nóng sốt dai dẳng, nhiều công ty dịch vụ môi giới, tư vấn địa ốc nước ngoài đã lần lượt nhảy vào thị trường đầy sôi động này".
Theo phân tích của ông Đào, việc các đơn vị phân phối tư vấn bất động sản nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam, đặc biệt là Tp.HCM và các điểm nóng bất động sản nghỉ dưỡng là xu thế tất yếu. Trong tương lai, khi thị trường địa ốc phát triển, hiện tượng này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.
Vị chuyên gia này cũng đánh giá, với năng lực, kinh nghiệm vốn có, các nhà môi giới ngoại sẽ tác động đến tâm lý người mua và nhà đầu tư trong nước. Sự đổ bộ mạnh mẽ này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước cải tiến dịch vụ, chuẩn hóa hoạt động bán hàng. Người tiêu dùng khi đó sẽ được hưởng lợi.
Tổng giám đốc Công ty Viethome nhận xét, một điều thuận lợi cho các nhà môi giới ngoại là pháp luật Việt Nam cho phép nhà đầu tư cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua bất động sản Việt Nam không quá 30% dự án. Nhưng để an toàn và thành công, một dự án phải bán được hơn 70%. Vì vậy, các nhà môi giới ngoại nếu không tiếp cận khách hàng nội địa thì sẽ vấp phải sự cạnh tranh từ các công ty môi giới Việt.
Các chuyên gia bất động sản cho rằng, việc nhiều công ty dịch vụ trong ngành bất động sản trên thế giới hướng đến Việt Nam đã không còn xa lạ nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thuận buồm xuôi gió bởi những khác biệt về văn hóa, tập quán, pháp lý.
Nhiều đơn vị trong mảng này đã tham gia từ lâu và tạo được ảnh hưởng trong mảng tư vấn, quản lý bất động sản tại Việt Nam như CBRE, Savills, JLL... Đối với mảng môi giới, phân phối sản phẩm, những đơn vị này phải Việt hóa bộ máy để có thể cạnh tranh với những doanh nghiệp trong nước đang không ngừng lớn mạnh.
(Theo Vnexpress)