Ở hầu hết các nước, giao dịch bất động sản của tổ chức, cá nhân đều thực hiện thông qua Trung tâm, văn phòng môi giới, nhà môi giới độc lập hoặc luật sư. Các nhà môi giới này được quyền thực hiện đàm phán thuyết phục khách hàng, lập hợp đồng dịch vụ, đồng thời được phép thu tiền cho thuê, thu tiền thế chấp đất hoặc tiền thu theo các điều khoản hợp đồng. Tuy vậy, hoàn toàn không có chuyện môi giới bất động sản bóp méo thông tin, góp phần đẩy giá lên hoặc hạ giá xuống theo các cơn sốt nóng lạnh của thị trường nhằm thu lợi cho mình.
Nguyên nhân chủ yếu là do các nước đều quy định chặt chẽ về điều kiện hành nghề môi giới bất động sản. Luật của họ quy định rõ văn phòng, trung tâm môi giới bất động sản phải được thành lập bởi các nhà môi giới có trình độ và chuyên môn cao trong lĩnh vực bất động sản. Cá nhân phải trải qua đào tạo, sát hạch nghiêm túc và đáp ứng một số điều kiện nhất định để đạt được chứng chỉ hoặc thẻ hành nghề.
|
|
Để trở thành nhân viên môi giới tại Mỹ, bạn phải trải qua rất nhiều bước khác nhau |
Chẳng hạn như ở Mỹ, để hành nghề môi giới bất động sản phải có giấy phép do chính quyền bang cấp, thi vấn đáp về các giao dịch bất động sản cơ bản và luật liên quan đến mua bán bất động sản, tham gia một khóa đào tạo từ 60 đến 120 giờ và yêu cầu có kinh nghiệm mua bán bất động sản từ 1 đến 3 năm. Giấy phép hành nghề có giá trị tối đa 2 năm.
Đặc biệt, tại bang New York, giấy phép hành nghề môi giới và việc sát hạch thi viết để cấp giấy phép phải do Bộ Nội vụ tổ chức. Cụ thể để xác định năng lực, trước khi đăng ký hành nghề môi giới, mỗi người phải cung cấp bằng chứng chứng minh là mình có kiến thức tốt về tiếng Anh, hiểu rõ mục đích chung, các hiệu lực pháp lý liên quan đến chứng thư bảo đảm, thế chấp, hợp đồng bán, cho thuê đất, nắm chắc nghĩa vụ giữa chủ sở hữu và đại lý cũng như điều khoản của phần này.
Người môi giới cũng phải chứng minh rằng mình đã tham dự tối thiểu 120 giờ và hoàn thành tốt khóa học về bất động sản được phê duyệt bởi Bộ trưởng liên quan đến phương pháp, nội dung và quy trình giám sát. Còn các khóa học từ xa và trực tuyến sẽ được Bộ Nội vụ phê duyệt với điều kiện đơn vị tổ chức chứng minh được khả năng của mình trong việc quản lý và xác nhận sự tham gia của người đăng ký trong thời hạn cụ thể.
Tại Úc và Newzeland thì danh sách người môi giới phải được đăng ký với cơ quan quản lý kinh doanh (Uỷ ban tài phán thương mại). Nếu không đăng ký mà vẫn thực hiện dịch vụ sẽ bị chịu 50 đơn vị phạt (mỗi đơn vị là 100 đô la Úc với cá nhân và 500 đô la Úc với tổ chức), bỏ tù 6 tháng hoặc vừa bị phạt tiền vừa bị bỏ tù, ngoài ra không được hưởng lương, hoa hồng từ các dịch vụ. Người môi giới đủ tư cách phải có các bằng cấp do tổ chức đào tạo của Hiệp hội ANTA cấp.
Còn tại Hàn Quốc, để có thể trở thành chuyên gia môi giới bất động sản phải trải qua một kỳ thi về trình độ chuyên môn do lãnh đạo tỉnh, thành phố tổ chức. Căn cứ theo nghị định hướng dẫn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có thể trực tiếp ra đề kiểm tra hoặc trực tiếp tổ chức kỳ thi này dựa trên cơ sở đồng đều về kỳ thi kiểm tra trình độ chuyên môn môi giới bất động sản. Không dừng lại ở đó, muốn được hành nghề môi giới bất động sản tại Hàn Quốc, chuyên viên môi giới bất động sản còn phải thành lập Văn phòng môi giới và báo với lãnh đạo chính quyền địa phương.
Trong luật cấp phép hành nghề môi giới bất động sản và khai báo giao dịch bất động sản của Hàn Quốc còn quy định thêm nhà môi giới và chuyên viên môi giới trực thuộc phải đăng ký con dấu với cơ quan đăng ký theo quy định của Bộ Xây dựng. Trường hợp thay đổi con dấu đã đăng ký cũng phải làm tương tự như trên. Nhà môi giới khi quyết định sa thải hoặc tuyển dụng trợ lý, chuyên viên môi giới trực thuộc phải khai báo với cơ quan đăng ký căn cứ theo quy định của Bộ Xây dựng.
|
|
Tại Hàn Quốc, mọi thủ tục công nhận cho nhân viên môi giới BĐS đều phải thông qua cơ quan chức năng có thẩm quyền |
Đồng thời, nhà môi giới phải niêm yết giấy chứng nhận đăng ký văn phòng, bảng giá tiền phí và các hạng mục khác theo quy định của Bộ Xây dựng. Tiêu chuẩn đăng ký văn phòng môi giới và đăng ký con dấu được quy định cụ thể ở nghị định và thông tư hướng dẫn. Ngoài ra, Hàn Quốc còn đưa ra mức phí môi giới bằng 0,9% số tiền giao dịch trong trường hợp mua bán, trao đổi và 0,8% trong trường hợp thuê mướn.
Hải Linh (dịch)
(Theo Enternews.vn)