Sắp diễn ra hội thảo chuyên đề “Chiến tranh thương mại và thị trường BĐS Việt Nam”

Thứ năm, 15/11/2018, 09:05 GMT+7

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được nhận định sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế thế giới, trong đó có thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng tới đâu, phân khúc nào sẽ được hưởng lợi vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã chính thức bắt đầu sau tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% của chính quyền ông Donald Trump với các mặt hàng từ Trung Quốc, trong đó 90% mặt hàng này là nguyên liệu sản xuất. Quyết định của ông Trump đã thổi thêm một bầu không khí căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ (nền kinh tế số 1 hành tinh) và Trung Quốc (đông dân nhất thế giới và là thị trường hấp dẫn nhất).

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Fulbright, nhìn bối cảnh toàn cầu, chiến tranh thương mại này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Riêng tại Việt Nam, nền kinh tế thời gian qua đã có bước tăng trưởng với tốc độ kỷ lục một phần nhờ những khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, BĐS, du lịch,... Nửa đầu năm 2018, tăng trưởng của Việt Nam đạt 7,08%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Tăng trưởng FDI nửa đầu năm cũng đạt 8,4% so với cùng kỳ năm trước, mức kỷ lục 10 năm qua. Khách hàng là người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cũng có dấu hiệu gia tăng đột biến.

Trong báo cáo mới vừa được công bố, Jones Lang LaSalle (JLL) cho rằng tranh chấp thương mại leo thang sẽ khiến BĐS công nghiệp Mỹ, Trung giảm tốc nhưng Việt Nam lại hưởng lợi.

Ông Ryan Severino, Trưởng phòng Kinh tế của JLL cho biết, trong quý đầu tiên của năm 2018, tỷ lệ trống của khu công nghiệp tại Trung Quốc giữ mức thấp kỷ lục 4,8%. Sự tăng trưởng giá thuê đất công nghiệp tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành một trong những điểm đến tiếp theo cho các nhà đầu tư, nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi với Trung Quốc và chi phí lao động phải chăng.

Báo cáo “Việt Nam – Trung tâm công nghiệp mới của Đông Nam Á” của JLL cũng chỉ ra rằng, các nhà sản xuất đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, theo chiến lược ‘Trung Quốc +1’. Chiến tranh thương mại sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn đến và thành lập nhà máy mới tại Việt Nam.

Hội thảo “Chiến tranh thương mại và thị trường BĐS Việt Nam
Hội thảo chuyên đề “Chiến tranh thương mại và thị trường BĐS Việt Nam”
dự kiến thu hút khoảng 500 khách tham dự

Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng nhất thời hay dài hạn? Phân khúc BĐS nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất hay phải chịu thiệt hại trong chiến tranh thương mại? Câu trả lời sẽ được TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) giải đáp trong hội thảo chuyên đề “Chiến tranh thương mại và thị trường BĐS Việt Nam” do Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam tổ chức vào ngày 20/11/2018 tới đây.

Sự kiện có sự đồng hành và tài trợ của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực BĐS hiện này như: Batdongsan.com.vn là đơn vị bảo trợ thông tin; Công ty Sea Holdings là đơn vị tài trợ chính. Ngoài ra còn có các đơn vị đồng tài trợ như: Công ty Đông Dương; Công ty DKR; DKRS; DKRA Việt Nam; Thủ Đức House; Đông Tây Land; Nam Long Group; IMM Group; Era Việt Nam; Phú Đông Group.

Dự kiến, hội thảo chuyên đề “Chiến tranh thương mại và thị trường BĐS Việt Nam” sẽ thu hút khoảng 500 khách tham dự là các lãnh đạo những công ty hoạt động trong lĩnh vực BĐS, lãnh đạo ngân hàng và báo chí; hứa hẹn mang đến những thông tin cực kỳ hữu ích cho khách tham dự.

TS. Võ Trí Thành được biết đến là chuyên gia phân tích kinh tế và tư vấn về các vấn đề liên quan đến thương mại tự do, hội nhập kinh tế khu vực, phát triển tài chính và chính sách vĩ mô. Ngoài ra, ông cũng rất quan tâm tới các lĩnh vực khác như cải cách thể chế và phát triển kinh tế. Năm 1997, ông giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Kinh tế Ứng dụng, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

Năm 1997, ông nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại trường Đại học Quốc gia Úc (ANU). Ông cũng đã được trao một số giải thưởng về nghiên cứu kinh tế bao gồm: Giải nhì cho nghiên cứu xuất sắc nhất về chủ đề phát triển "Tác động tương hỗ, kiến trúc kinh tế toàn cầu và mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” của GDN năm 2005 (đồng tác giả với Trịnh Quang Long); giải thưởng của Đại học Quốc gia Australia dành cho những đóng góp của ông đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam vào tháng 11/2008; giải đặc biệt của Liên hợp quốc về tác động chính sách đối với Báo cáo Phát triển con người 2001 (đồng biên tập cùng nhiều tác giả khác).
 

(Theo Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam)