Sau Nha Trang, Đà Nẵng, khu vực nào sẽ là điểm nóng của BĐS nghỉ dưỡng?

Thứ ba, 28/08/2018, 09:31 GMT+7

Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Phú Quốc là những thị trường chính tạo nên diện mạo bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam. Đây là những thị trường sôi động nhất và đang chịu áp lực lớn về nguồn cung. Trong tương lai, bên cạnh những thị trường truyền thống trên, khu vực nào sẽ là điểm nóng của bất động sản nghỉ dưỡng?

 

Những điểm nóng của tương lai

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE cho biết, trong 3 năm vừa qua, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã phát triển rất mạnh mẽ. Nha Trang dù “sinh sau đẻ muộn” so với Đà Nẵng nhưng đến nay đã vươn lên dẫn đầu với tổng nguồn cung lưu trú là khoảng 25.000 căn. Đà Nẵng đứng thứ 2 với khoảng 18.000 căn, Hạ Long và Phú Quốc là khoảng 7.000 căn. Hiện tại, Hạ Long và Phú Quốc đang có kết quả hoạt động tốt hơn Nha Trang và Đà Nẵng do chưa chịu nhiều áp lực về nguồn cung.

Theo bà Dung, trong tương lai, bên cạnh những thị trường truyền thống trên, bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ chứng kiến sự vươn mình mạnh mẽ của nhiều thị trường mới. Cụ thể, đó là Quy Nhơn, Thanh Hóa, Quảng Bình và Hải Phòng. Những thị trường này sẽ hút mạnh nguồn vốn của các nhà phát triển dự án và các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Cơ sở cho nhận định trên là do các tỉnh trên đều sở hữu đường bờ biển dài và cảnh quan thiên nhiên đẹp trong khi số lượng phòng lưu trú lại rất ít ỏi. Quy Nhơn có 134km bờ biển nhưng chỉ có hơn 1.000 phòng. Thanh Hóa là 102km bờ biển với khoảng 1.700 phòng. Quảng Bình là 116km bờ biển với khoảng 1.000 phòng. Có đường bờ biển khá dài (125km) nhưng Hải Phòng chỉ có khoảng 700 phòng phục vụ du khách. Những con số này đều quá thấp so với nguồn cung lưu trú của các thị trường truyền thống. Ngoài ra, Phú Yên và Ninh Thuận cũng là 2 thị trường nghỉ dưỡng có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

bất động sản nghỉ dưỡng
Theo bà Dương Thùy Dung, trong tương lai, bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng Việt Nam
sẽ chứng kiến sự vươn mình mạnh mẽ của nhiều thị trường mới

Sự phát triển của các thị trường tiềm năng ở thời điểm hiện tại khiến bà Dung liên tưởng tới câu chuyện của Phú Quốc. Trước 2014, thị trường nghỉ dưỡng - khách sạn cao cấp ở Phú Quốc hầu như không có. Nguyên nhân là do hạ tầng không phát triển nên không có sự kết nối giữa các thành phố lớn và huyện đảo này. Thế nhưng sự hiện diện của sân bay quốc tế và nhiều công trình hạ tầng khác trong những năm gần đây đã biến đổi hoàn toàn diện mạo bất động sản Phú Quốc. “Những thị trường đang ở dạng tiềm năng cần một lực đẩy mạnh của hạ tầng. Tôi nghĩ đây chỉ là vấn đề thời gian”, bà Dung nhấn mạnh.

Thời gian lưu trú và mức chi trả của khách quốc tế không cao

Theo số liệu của Tổng Cục du lịch, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang có mức tăng trưởng lớn nhất Đông Nam Á. Năm 2017, Việt Nam có 13 triệu khách quốc tế, đạt mức tăng trưởng 30%/năm. Số lượng khách trong nước là 73 triệu, mức tăng trưởng đạt 18%/năm. 2017 là năm đầu tiên Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới. Thế nhưng số liệu cũng cho thấy một nghịch lý là tổng chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 1.171 USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc…

Bà Dương Thùy Dung cho biết thêm, so với các quốc gia khác, thời gian lưu trú của du khách khi đến Việt Nam rất thấp và tăng rất ít qua các năm. Ví dụ tại Đà Nẵng, thời gian lưu trú của khách du lịch chỉ là khoảng 2,7 ngày. Và 2,7 ngày ấy còn được chia cho cả Quảng Nam và Huế - những địa điểm du lịch giáp Đà Nẵng. Như vậy, mỗi du khách chỉ có khoảng 1 ngày ở Đà Nẵng. Con số này ở các thành phố du lịch khác của Việt Nam còn thấp hơn nhiều. Trong khi đó, thời gian lưu trú của du khách ở Phuket (Thái Lan) thấp nhất là khoảng 4,5 ngày.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do sản phẩm du lịch của Việt Nam thiếu tính đa dạng, không phong phú. Trên thực tế, du lịch biển của chúng ta không có gì ngoài biển. Trong khi đó, Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia) không chỉ có biển mà còn phong phú với các hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động thể thao trên nước, lễ hội truyền thống…

Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch là điều rất cần thiết, trước hết có tác dụng phục vụ nhiều đối tượng khác nhau nhưng quan trọng hơn là giữ chân du khách. Khi sản phẩm du lịch đa dạng sẽ giúp tăng thời gian lưu trú và tăng mức chi trả cho du lịch của du khách.

 

(Theo Enternews.vn)