UBND Tp.HCM cho biết, hệ số điều chỉnh giá đất tại Tp.HCM được điều chỉnh lần mới đây nhất là năm 2015.
Nhằm thực hiện việc điều chỉnh tăng giá đất lần này, Tp.HCM đã giao Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra 2 phương án hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018.
Cụ thể, ở phương án 1, hai sở đề xuất giữ hệ số điều chỉnh giá đất như Quyết định số 19 của UBND Tp.HCM quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2017. Ở phương án 2, hai sở đề xuất tăng 0,1 lần.
Về đề xuất tăng hệ số điều chỉnh giá đất, hai sở trên lý giải, khi xây dựng bảng giá đất năm 2015, giá đất tại bảng giá đất đã tăng khoảng 2 lần so với bảng giá đất năm trước đó, dẫn đến nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất từ năm 2015 cũng tăng lên.
Vì vậy, khi xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất, hai sở đã cân đối giá đất phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho người sử dụng đất nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tránh tình trạng giá tăng đột biến, vì giá đất do UBND Thành phố quy định tại bảng giá đất hiện chỉ bằng khoảng 1/3 giá thị trường.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, việc tăng 0,1 lần hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 là phù hợp với giá đất tăng của thị trường. Và việc tăng này cũng không gây xáo trộn, ảnh hưởng nhiều đến người sử dụng đất, vì chỉ tăng 10%.
Việc Tp.HCM dự kiến tăng hệ số giá đất đã làm dấy lên lo ngại giá đất biến động mạnh |
"Hiện giá đất trên thị trường bất động sản Tp.HCM đang tăng so với năm 2015, 2016 và việc tăng hệ số điều chỉnh giá đất có thể làm giá đất tăng thêm.
Liên quan việc UBND Tp.HCM dự kiến tăng hệ số giá đất, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đại Phúc Land cho biết, giá đất mà thành phố áp dụng chủ yếu cho việc đền bù giải phóng mặt bằng dự án. Khi giá đất tăng, tiền thuế đất, tiền giải phóng mặt bằng tăng, kéo theo giá đất và giá nhà dự án cũng tăng theo, nên tạo thêm "gánh nặng" cho thị trường. Hiện tại, Tp.HCM đang thiếu kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, nếu hệ số giá đất tăng thì việc thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng sẽ còn khó khăn hơn.
Theo phân tích của bà Hương, trong tháng này, UBND Tp.HCM cũng ban hành điều chỉnh hệ số giá đất ở một số quận, huyện, dự án. Nếu thông qua tiếp việc tăng giá đất toàn thành phố thì giá đất tại những điểm vừa được công bố tăng hệ số giá đất sẽ đội giá lên tiếp. Điều này làm khó doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương khi áp giá đất đền bù.
PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM đánh giá, thực trạng giá đất của từng quận, huyện của Tp.HCM hiện không đồng nhất cũng dễ hiểu, bởi đây là vấn đề chung của cả nước. Đó là tiền sử dụng đất trong nhiều trường hợp được tính theo bảng giá đất của địa phương, với giá thấp hơn nhiều so với giá đất giao dịch trên thị trường.
Ông Hiệp nói cho hay: "Việc cho thuê đất với giá chưa phù hợp dẫn đến tình trạng đầu cơ không chỉ với đất ở, mà với cả đất sản xuất nông nghiệp, đất kinh doanh”.
Theo ông Hiệp, những bất cập hiện nay liên quan đến việc tính tiền sử dụng đất và việc điều chỉnh bảng giá đất kéo gần sát với giá của thị trường nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực và tăng thu ngân sách cần được thực hiện đồng bộ. Nếu chỉ tăng bảng giá đất ở từng địa phương, thì không những không giải quyết được triệt để vấn đề, mà còn khoét sâu, gây ảnh hưởng nhiều hơn. Vì thế, phải đưa giá trong bảng giá đất của địa phương sát với giá của thị trường, là cơ sở và căn cứ để tính tiền sử dụng đất, thuế, bồi thường và hỗ trợ thu hồi đất…
Để việc tăng giá đất không ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hiệp cho rằng UBND Tp.HCM cần hoàn thiện và sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến người dân. Thay vì phải nộp tiền theo giá trị đất tại thời điểm xin cấp giấy chứng nhận thì nên hợp thức hóa chế độ tính tiền sử dụng đất cho người dân chưa được cấp giấy chứng nhận vào thời điểm họ sử dụng ổn định.
Đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở để giải quyết nhu cầu của người dân, nên đưa ra các chính sách như sử dụng ổn định trong 10 - 15 năm thì được giảm một phần tiền sử dụng đất.
Ông Hiệp nhận định, việc đưa bảng giá đất sát với thị trường sẽ giúp việc quản lý và sử dụng đất hiệu quả hơn; giúp chấm dứt tình trạng giá đất kinh doanh, đất sản xuất nông nghiệp bị đẩy lên cao do ôm đất chờ chuyển đổi mục đích sử dụng. Khi giá đất gần giá thị trường, thì việc ôm đất và không sử dụng, khai thác sản xuất trên đất sẽ không thu được lợi từ sự chênh lệch này.
(Theo Báo Đầu tư)