Thời gian qua, thị trường có những đợt sốt giá đất nền, nguyên nhân một phần do nhu cầu nhà ở, nhu cầu đầu tư của người dân tăng nhưng cũng không loại trừ hiện tượng người bán, cò đất đẩy giá, tạo giá ảo, đặc biệt là với đất nền vùng ven.
Trong các đợt sốt trên, người bán đã phân lô, đẩy giá lên cao ở cả những khu vực, đất nền chưa hoàn thiện về mặt pháp lý, chưa có hạ tầng, tiện ích để cư dân có thể ở được. Vấn đề này không chỉ gây hại cho người mua mà còn ảnh hưởng xấu đến thị trường, tạo ra "bong bóng" bất động sản nên cần phải xử lý sớm.
Ngoài ra, việc nhà đầu tư lợi dụng thị trường đang "nóng", đẩy thông tin thất thiệt ra thị trường để bán được hàng nhanh chóng cũng có thể gây ra tình trạng sốt ảo.
Vì thế, nếu muốn ngăn chặn sốt đất, nhà nước cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về đất đai. Đơn cử như quy định chỉ những dự án nào đảm bảo đủ các tiêu chí về diện tích, quy hoạch, tiện ích… mới được phép phân lô bán nền. Hiện tại Tp.HCM cũng đã có Quyết định 60 về tách thửa nhưng vẫn khó áp dụng bởi chưa cụ thể, rõ ràng.
Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường bất động sản cả nước đã ghi
nhận vài đợt tăng giá ảo. Ảnh minh họa: zing
Một khi thông tin quy hoạch minh bạch, công khai, người dân có thể tiếp cận một cách dễ dàng thì mới không có cơ hội cho đầu nậu, cò đất tung tin đồn, đẩy giá, từ đó giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Không thể để tình trạng cứ mỗi khi thị trường có đợt sốt là cơ quan quản lý lại đưa ra biện pháp hành chính, phi thị trường, chẳng hạn như thay đổi quy trình, quy chế, thủ tục, vì điều này sẽ khiến những người có nhu cầu ở thực gặp khó khăn, chậm trễ khi giao dịch.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa thật lành mạnh, nhiều người sẽ đổ đi tìm mua nhà riêng lẻ trong khu dân cư hiện hữu, có sổ hồng khiến giá bán tăng theo. Đồng thời, nhiều người nhận thấy thấy nhà đất khu vực xung quanh dù chưa hoàn tất pháp lý nhưng giá bán rẻ hơn nên mua vào để đầu cơ, từ đó hình thành hiện tượng domino, tăng giá ảo.
Đối với các dự án bất động sản, giá bán được chủ đầu tư quyết định dựa trên các yếu tố như lãi suất, chi phí đầu tư, cơ hội… Trong khi đó, nhiều người mua không thể biết được các yếu tố cấu thành giá dự án cụ thể nhưng vẫn mua sản phẩm, sau đó tự lấy giá này làm mặt bằng để so sánh, kéo giá bán ở những khu vực xung quanh lên, khiến cho thị trường bị tăng ảo. Do đó, để bảo vệ mình, người mua cần thận trọng, lựa chọn sản phẩm hợp pháp, không nên mua sản phẩm đã bị tăng giá ảo.
Về phía cơ quan quản lý, nên có cảnh báo sớm hơn về hiện tượng sốt ảo bất động sản để những người mua nhà ở thực không bị thiệt hại, vì chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường đã ghi nhận vài đợt tăng giá ảo.
(Theo Người lao động)