Càng về cuối năm 2018, bất động sản tỉnh lẻ đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là các khu vực thị trấn, thị xã đang được quy hoạch lên thành phố.
Mới đây Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang trên cơ sở toàn bộ 100,49km2 diện tích tự nhiên và 81.576 người của thị xã Hà Tiên. Động thái này đã ngay lập tức tác động mạnh lên thị trường bất động sản tỉnh lẻ tại đây. Giá đất tại Hà Tiên thuộc các khu vực trung tâm thành phố, sát biển trước đây chỉ có giá 3-7 triệu đồng mỗi m2 thì sang cuối năm 2018 đã tăng lên 6,5 - 14 triệu đồng, thậm chí các khu đất đẹp ven biển có mức giá dao động 15-22 triệu đồng/m2, có nơi lên đến từ 25-30 triệu đồng/m2.Quan sát thời điểm cuối năm có thể thấy số lượng các công ty nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản, hậu cần kho bãi đang rục rịch đổ về Hà Tiên gom đất để mở rộng kinh doanh càng tăng mạnh. Một số công ty kinh doanh bất động sản cũng đã tận dụng cơ hội để bung dự án đón sóng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc một thị trấn, thị xã được phê duyệt lên thành phố, về mặt lý thuyết, ít nhiều sẽ tác động làm tăng giá đất trên địa bàn. Trường hợp của TP Hà Tiên cũng không ngoại lệ. Việc Hà Tiên nâng cấp lên thành phố nếu được khơi đúng tiềm năng, sẽ thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy du lịch phát triển. Bởi lẽ, TP Hà Tiên chỉ cách Phú Quốc 40 km, được xem là cự ly khá gần khi di chuyển bằng tàu. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển dự án nghỉ dưỡng, đón đầu nhu cầu của du khách. Cũng không loại trừ giới đầu tư đang có sự thay đổi khẩu vị, mở rộng địa bàn đầu tư bất động sản từ Phú Quốc ra vùng ven có giá đất mềm hơn nhưng giàu tiềm năng phát triển du lịch, nghỉ dưỡng.
Ngoài Hà Tiên, hàng loạt khu vực khác đang được quy hoạch lên thành phố cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng. Ở khu vực phía Nam có thể kể đến Đồng Nai với việc nâng cấp thêm một thành phố và 3 thị trấn mới, đó là TP.Long Khánh, thị trấn Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch), thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất) và thị trấn Long Giao (huyện Cẩm Mỹ)...đã khiến giá bất động sản tỉnh lẻ tại nhiều khu vực này rục rịch tăng từ 20-30% so với hồi đầu năm.
Theo các chuyên gia với thế mạnh về giao thông, hạ tầng và nằm ngay cửa ngõ TP.HCM, các khu vực Long Khánh, Dầu Giây, Lanh Giao, Hiệp Phước tại Đồng Nai thu hút đầu tư công nghiệp mạnh mẽ hàng đầu cả nước. Chính vì vậy, khi các khu vực này được nâng cấp thì việc giá đất tăng theo là điều dễ hiểu. Tương tự như Đồng Nai, sắp lên thành phố trung ương thị trường BĐS Bắc Ninh đang phát triển quá nhanh. Mới đây, tại báo cáo thị trường BĐS Quý 3/2018 do Hội môi giới BĐS Việt Nam phát hành, cho thấy thị trường bất động sản Bắc Ninh đang có những bước phát triển nhanh chóng, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã chứng kiến sự chào bán sôi động.
Theo nhận định của các chuyên gia, đầu tư bất động sản tỉnh lẻ là một xu hướng phát triển tất yếu. Bởi trong khu vực nội đô như Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành phố lớn đã bão hòa, trong khi đầu tư bất động sản tỉnh lẻ bao giờ cũng cần ít vốn hơn các trung tâm lớn. "Một điểm khiến cho phân khúc đất nền vẫn tiếp tục hút nhà đầu tư do hiện tại nhiều dự án đã được cho phép phân lô bán nền tạo ra nguồn cung dồi dào cho các nhà kinh doanh có cơ hội lựa chọn", GS Đặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng bộ Tài Nguyên Môi Trường cho biết.
Còn theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh nhà ở Savills Miền Bắc và Miền Trung Việt Nam: "Đất nền tỉnh lẻ tăng giá không phải là hiện tượng báo hiệu bong bóng bất động sản. Khi những khu vực này được nâng cấp lên thị xã, thành phố, các dự án đất nền nằm tại đó sẽ lên giá. Bản chất nó đang trở về giá trị thực của mình".
MuaBanNhaDat theo TBKD