Nói về tiềm năng của Bà Rịa - Vũng Tàu, không thể không kể đến dầu khí, một trong những lĩnh vực đóng góp GDP nhiều nhất cho cả nước. Trên thềm lục địa Đông Nam Bộ, tỉ lệ các mũi khoan thăm dò thành công các mỏ dầu khi có giá trị thương mại lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu rất cao, như: Bạch Hổ (lớn nhất Việt Nam), Rồng, Đại Hùng, Rạng Đông... Trữ lượng công nghiệp của các mỏ này cho phép khai thác 20 triệu tấn dầu/năm.
Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu nhiều tiềm năng vượt trội để phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp văn hóa - tâm linh |
Bên cạnh đó, nhờ hệ thống hơn 20 con sông rạch với chiều dài gần 200km, một số cửa sông và bờ biển lớn, Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi rất thuận lợi để phát triển cảng biển. Cụ thể là cụm cảng Thị Vải - Cái Mép - 1 trong 19 cảng quốc tế lớn nhất thế giới. Với độ sâu 15m, sông Thị Vải (phường Phú Mỹ) có thể đón được những chuyến tàu Container trên 100.000 tấn cập bến tại Bà Rịa - Vũng Tàu và đi thẳng đến các nước Châu Âu, Châu Mỹ, không qua trung chuyển.
Hơn thế nữa, kể từ khi Cảng Sài Gòn và Ba Son được di dời và bắt đầu triển khai xây dựng tại đây, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm Logistic lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ với 28/52 cảng biển đang hoạt động. Đây chính “nút chạm” thứ hai khiến giới đầu tư bắt để ý đến “miếng bánh ngon” Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đặc biệt, là vùng đất tràn đầy “hơi thở” của biển với 305km đường bờ biển trải dọc bên bờ Đông Việt Nam, cùng 48 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, Bà Rịa – Vũng Tàu sở hữu nhiều tiềm năng vượt trội để phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp văn hóa – tâm linh. Theo thống kê từ Tổng cục du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã đón và phục vụ khoảng 10.330.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã đón và phục vụ khoảng 10.330.000 lượt khách |
Mặc dù đã đạt được những con số vượt bậc nhưng ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, chưa phát triển xứng đáng với tiềm năng vốn có. Cụ thể, vẫn chưa tạo ra nhiều sản phẩm khác biệt, mang đậm thương hiệu quốc gia, chưa nâng tầm được giá trị sản phẩm trong khi giá ở các khâu dịch vụ đi kèm lại rất cao,…
Đứng trước những yêu cầu phát triển của thực tiễn, Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề ra những định hướng chiến lược du lịch rõ ràng. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh BR - VT lần thứ VI nhiệm kỳ 2015 – 2020 cũng đã xác định du lịch sẽ là ngành mũi nhọn của tỉnh nên đã đề ra nhiều giải pháp để phát triển. Để tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy du lịch trong thời gian tới, hạ tầng giao thông cũng được tập trung nâng cấp và xây dựng như: tuyến đường bộ Quốc lộ 51, cao tốc TP. HCM - Dầu Giây - Long Thành , Quốc lộ 55, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu,...
Chùa Đại Tòng Lâm – một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu |
Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn lớn, có năng lực và kinh nghiệm trong việc phát triển dự án du lịch tầm cỡ quốc tế. Trước những chính sách ưu đãi cùng tiềm lực tài nguyên mạnh mẽ, thời gian gần đây tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chứng kiến một cuộc đổ bộ hùng hậu của những tập đoàn lớn như: Korea Infrastructure Company Limited (Hàn Quốc), Hưng Thịnh Corp, Novaland, “Chúa đảo” Tuần Châu, Vingroup,.. Kéo theo đó là sự xuất hiện của nhiều dự án lớn như Khu tổ hợp du lịch Núi Dinh (2.400ha), Vườn thú hoang dã Safari (hơn 600ha) hay Khu dân cư gần cổng chào Bà Rịa với quy mô 37.236,6m2 sắp công bố vào đầu năm 2019;...
Theo đánh giá của các chuyên gia, bắt đầu từ câu chuyện định hướng phát triển du lịch và sự đột phá về hạ tầng, Bà Rịa – Vũng Tàu đã tạo nên sức hút hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lẫn khách du lịch. Đặc biệt trong thời gian tới, khi TP. Bà Rịa được nâng cấp thành đô thị loại 1 sẽ tạo nên một "làn sóng" đầu tư cực lớn. Chính vì thế, để đón đầu thời cơ, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến với đất nền đô thị tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
(Theo Trí thức trẻ)