Top 5 thành phố có quy hoạch khoa học nhất thế giới

Thứ năm, 20/09/2018, 09:15 GMT+7

Mới đây, tờ The Culture Trip đã đưa ra danh sách 5 thành phố có quy hoạch khoa học nhất trên thế giới. Cũng không có gì ngạc nhiên khi những cái tên quen thuộc như Singapore, Amsterdam, Washington... lọt vào bảng xếp hạng danh giá này.

Quy hoạch đô thị là cách để các thành phố tạo ra sự kết nối cộng đồng dân cư với môi trường sống của họ. Những nhà quy hoạch sẽ là nghệ sĩ để kết hợp nghệ thuật kiến trúc, không gian cộng đồng, phương tiện giao thông và những khía cạnh khác của cuộc sống đô thị với nhau.

Từ đó, tạo ra một không gian có thể giải quyết được mỗi vấn đề mà từng yếu tố trên tạo ra. Dưới đây sẽ là danh sách 5 thành phố có cách thức quy hoạch tốt nhất trên thế giới.

Singapore, Singapore

Singapore được thiết kế quy hoạch ngay từ khi bắt đầu hình thành đô thị như một thuộc địa của Anh vào năm 1819. Điều này thể hiện rằng những nhà quy hoạch thuở ban đầu đã có một tầm nhìn xa trông rộng – yếu tố chủ chốt để tạo nên một thành phố thành công.

Singapore nổi tiếng với những không gian xanh nhân tạo 
Singapore nổi tiếng với những không gian xanh nhân tạo

Được xây dựng trên vùng đất “chắp vá” vì bị đầm lầy ngăn cách, Singapore nổi tiếng với lối kiến trúc hiện đại và những không gian xanh nhân tạo ngay trong trung tâm của một thành phố có mật độ dân số cao. Thành phố này có cách quản lý rác thải, nước thải và điều kiện không khí vô cùng đặc biệt.

Những chính sách hiện hành của Singapore tạo ra hàng loạt các tòa tháp tự cung ứng để xóa bỏ gánh nặng đè lên vùng trung tâm thành phố. Nó tối đa hóa việc sử dụng đất bằng cách xây dựng lên cao với những tòa chọc trời, đồng thời đào sâu vào lòng đất để tạo ra không gian ngầm, khai phá tất cả các vùng đất bị bỏ hoang. Singapore áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất và ưu tiên cho việc phát triển nhà ở giá rẻ.

Zurich, Thụy Sỹ

Zurich thường được biết đến là thành phố có giao thông tốt nhất trên thế giới và đó là lý do tại sao nhiều người lại muốn đến đây để du lịch. Những chiếc xe buýt, tàu hỏa, tàu thủy, phà hoạt động liên tục, đúng giờ và giá cả lại vô cùng rẻ.

Zurich là một trong những thành phố có hệ thống giao thông tốt nhất trên thế giới 
Zurich là một trong những thành phố có hệ thống giao thông tốt nhất trên thế giới

Sự thành công của hệ thống giao thông ở Zurich có được là nhờ xuất hiện ít ô tô trên đường phố. Điều này cũng có nghĩa rằng sẽ có ít ô nhiễm, giảm thiểu tai nạn và nhiều không gian đỗ xe hơn.

Zurich cũng là thành phố dẫn đầu trong công cuộc bảo vệ khí hậu thông qua việc cắt giảm nhu cầu sử dụng xe hơi, gây quỹ nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo và giảm lượng CO2 mỗi cá nhân tạo ra. Những nhà quy hoạch của thành phố này cũng nhấn mạnh sự phân biệt rõ ràng khu vực đô thị và khu vực giải trí. 

Copenhagen, Đan Mạch

Thành phố này có kế hoạch trung hòa toàn bộ CO2 vào năm 2015 thông qua việc phát triển năng lượng gió, nhiên liệu sinh học, tiêu hủy chất thải an toàn và tìm ra các nguồn năng lượng thay thế khác.

Quy hoạch của Copenhagen luôn hướng tới bảo vệ cảnh quan môi trường 
Quy hoạch của Copenhagen luôn hướng tới bảo vệ cảnh quan môi trường

Thiết kế của thành phố ưu tiên sửa chữa, thay thế các cơ sở vật chất liên quan đến xử lý nước thải để tạo ra chất lượng nước tốt hơn và xây dựng kiến trúc bền vững – bao gồm hệ thống tiêu nước cho các tòa nhà, tái sử dụng nước mưa, tạo ra mái nhà xanh và quản lý rác thải hiệu quả.

Quy hoạch của thành phố cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng đường phố và diện tích cho người đi xe đạp và đi bộ.

Amsterdam, Hà Lan

Những con kênh nổi tiếng của Amsterdam không chỉ được “vẽ ra” để lôi cuốn khách du lịch mà nó là kết quả của sự quy hoạch rất tỉ mỉ. Khi những người nhập cư ồ ạt vào Amsterdam những năm 1600, một chuỗi kênh đồng tâm hình bán nguyệt được xây dựng để giúp giải tỏa lưu thông cho thành phố. Các con kênh được xây dựng giữa những năm 1613 và chúng vẫn được sử dụng đến ngày hôm nay.

Những con kênh ở Amsterdam giúp giải tỏa giao thông rất nhiều 
Những con kênh ở Amsterdam giúp giải tỏa giao thông rất nhiều

Amsterdam được mở rộng thêm một lần nữa vào thế kỷ XIX với mục đích tăng thêm số lượng nhà ở và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Ngày nay, việc lái xe trong trung tâm thành phố bị cấm hoàn toàn. Thay vào đó, nhiều loại hình giao thông công cộng ra đời và đặc biệt văn hóa đi xe đạp rất phát triển ở thành phố này với đầy đủ hệ thống chỗ để xe, gara và làn đường cho xe đạp.

Washington D.C, Hoa Kỳ

Vào năm 1791, một bản quy hoạch được tạo ra bởi nhà quy hoạch đô thị Major Pierre Charles L’Enfant để thiết kế thủ đô của Hoa Kỳ cho tổng thống George Washington. Bản quy hoạch đó được gọi là quy hoạch L’Enfant, đã phát triển 10 dặm vuông đất để có được nền tảng thành phố như ngày nay. Quy hoạch L’Ènant sau đó được sửa lại bởi Andrew Ellicott, đặt Nhà Trắng song song với sườn núi đến sông Potomac (vì ông muốn công trình này lớn hơn gấp 5 lần so với bản thiết kế cũ) và mở rộng thêm các con đường trong mô hình quy hoạch ô bàn cờ.

Washington có quy hoạch ô bàn cờ khá khoa học 
Washington có quy hoạch ô bàn cờ khá khoa học

Thành phố rơi vào tình trạng lộn xộn, mất quy hoạch vào đầu những năm 1900. Lúc này, các nhà chức trách phải thiết kế bản quy hoạch mới mang tên The McMillan nhằm tái cấu trúc Washington.

Đây được coi là quy hoạch khá ổn định, tuy nhiên, họ vẫn có thể nâng cấp hơn nữa, giải quyết tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm tan tầm.

Hải Linh (dịch)

(Theo Enternews.vn)