So với cách đây hơn nửa năm, giá đất tại nhiều địa phương đã có những biến động đáng kể với sự hình thành một mặt bằng giá mới cao hơn. Đơn cử, tại TP.HCM giá đất tăng từ 30-50%, Phú Quốc tăng từ 200-400% và Đà Nẵng tầm 100-150%.
Nhiều chuyên gia nhận định, mức tăng này do tác động từ nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, trong đó không loại trừ sự đẩy giá của các thành phần môi giới nhưng phần lớn vẫn xuất phát từ nhu cầu giao dịch thực từ thị trường.
Theo ông Sử Ngọc Khương – Giám Đốc Đầu tư Savills Việt Nam, cơn sốt đất thời gian qua được hình thành không phải là do biến động ảo từ thị trường mà xuất phát từ nhu cầu thật.
"Hiện nay, trong số 10 triệu dân đang sinh sống tại TP.HCM có khoảng 2-3 triệu người ngoại tỉnh. Ngoài nhu cầu về nhà ở, một số sự cố cháy nổ chung cư thời gian gần đây cũng khiến xu hướng đầu tư dịch chuyển sang nhà gắn liền với đất. Thêm vào đó, tâm lý tích lũy của người dân càng khiến nhà đất trở thành một loại “của để dành” đáng giá, bên cạnh vàng và tiết kiệm ngân hàng" - ông Khương cho biết.
Còn ông Bùi Xuân Hiền – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Southern Homes Việt Nam cho rằng, việc nhà đầu tư đổ về Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay những khu vực xa để đón sóng hạ tầng tương lai là nguyên nhân chính khiến giá đất các khu vực này tăng đột biến. Nếu giá đất ở đây gia tăng chỉ dựa trên tin đồn hay chiêu trò đưa đẩy của cò đất thì có thể nói là tăng giá ảo. Tuy nhiên nhìn vào bản chất của nhu cầu thị trường hiện tại thì rõ ràng đều dựa trên quy hoạch thật của Chính phủ.
“Nhà đầu tư ở Việt Nam hiện nay rất chuyên nghiệp và khác với giai đoạn bong bóng năm 2007. Họ nắm thông tin rất rõ, khi đưa ra quyết định đầu tư nghĩa là họ đã biết rõ đối tượng muốn hướng tới là ai, ngắn hạn hay dài hạn. Đồng thời, quy mô thị trường cũng đã lớn hơn nhiều để có thể khiến giá cả tăng ảo”, ông Hiền nhận định.
Một minh chứng khiến nhiều chuyên gia cho rằng xu hướng tăng giá đất hiện tại phản ánh giao dịch thực của thị trường là việc giá đất không giảm mạnh sau cơn sốt. Chuyên gia BĐS Nguyễn Tấn Phong cho rằng, nếu chỉ là tăng do đầu cơ, sốt ảo, không dựa trên nhu cầu thực thì sau khi cơn sốt đi qua, giá nhà đất chắc chắn sẽ giảm, thậm chí giảm mạnh. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thị trường tại Tp.HCM, ở các khu vực nóng như Cần Giờ, Hóc Môn, quận 2, quận 9, giá đất không hề giảm mà đang đi ngang.
Ông Phong cho rằng, tại các khu vực này, giá đất tăng cũng có nguyên nhân từ sự gia tăng dịch vụ hạ tầng, dân số và nhu cầu định cư. Đây đều là yếu tố khách quan tác động lên mặt bằng giá. Vì vậy, giá tăng dựa trên cơ sở rõ chứ không chỉ dựa vào "bánh vẽ" hạ tầng.
Bên cạnh đó, người dân luôn có ý niệm rằng tài sản gắn liền với đất là hàng hóa thiết yếu của cả một đời người. Điều này tạo nên nhu cầu tích trữ đất, gom đất và ôm đất càng nhiều càng tốt. Do nhu cầu tăng lên trong khi nguồn cung hạn chế đã khiến tài sản này trở nên ngày càng khan hiếm. Những khu vực nào từng diễn ra sốt đất và duy trì cột giá cao bền vững theo thời gian thì đó chính là giá trị thật tương đối của tài sản.
Dự báo về tương lai của thị trường bất động sản liền thổ trong hai quý tới, Tiến sĩ Bùi Quang Tín - Giám đốc Trường Doanh nhân Bizlight nhìn nhận, những tín hiệu vĩ mô từ tăng trưởng tích cực của nền kinh tế, sự tăng trưởng mạnh tầng lớp trung lưu dẫn đến nguồn vốn cho đầu tư và nâng cấp nhà ở được cải thiện.
Ngoài ra, sự đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng mới của thành phố đã có tác động kích thích làm tăng mặt bằng giá bất động sản, đặc biệt tại các khu vực được quy hoạch tốt và có tính kết nối tốt từ cơ sở hạ tầng. Nhu cầu mua đất làm tài sản vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng của người dân địa phương.
"Tính thanh khoản cao, giá trị đầu tư đa dạng từ nhỏ đến vừa, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn, tâm lý mua đất như một “kênh an toàn” sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư diễn ra, có thể đưa mặt bằng giá bất động sản liền thổ tiếp tục đi lên trong những tháng tới" - ông Tín nhận định.
Nguồn: batdongsan.enternews.vn