Để thực hiện được điều này, Thành phố kiến nghị thuê tư vấn khảo sát giá đất để tính bồi thường tại thời điểm có chủ trương thực hiện dự án có thu hồi đất nhằm giải quyết ách tắc, tồn đọng trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư diễn ra trong nhiều năm nay. Cụ thể, Sở kiến nghị Bộ Tài nguyên – Môi trường sớm hoàn thành đề án “Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư” theo chỉ đạo của Thủ tướng hồi tháng 5/2017.
Về giá để tính bồi thường, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị cho phép sử dụng thông tin giao dịch thị trường thực sự làm cơ sở xác định giá đất để tính bồi thường, thuê tư vấn khảo sát giá đất để tính bồi thường tại thời điểm có chủ trương thực hiện dự án có thu hồi đất, đồng thời cho phép UBND thành phố chấp thuận giá đất dự kiến để tính bồi thường, giá tái định cư để lấy ý kiến người dân.
Ngoài ra, Sở này cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương bổ sung quy định việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án để tổ chức thực hiện độc lập với dự án đầu tư xây dựng công trình trên đất sẽ thu hồi; thậm chí áp dụng quy định này đối với cả các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) mà doanh nghiệp cam kết ứng vốn chi trả.
Đồng thời, cần bổ sung quy định về cơ chế ứng vốn để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy hoạch nhằm tạo quỹ đất sạch, chuẩn bị mặt bằng để thực hiện dự án hoặc đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất; bổ sung quy định phải bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để chủ đầu tư phối hợp với địa phương bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thuê tư vấn điều tra xã hội học, khảo sát giá đất… ngay khi có ý định, chủ trương đầu tư dự án xây dựng trên đất bị thu hồi.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, từ năm 2011 đến tháng 06/2018, Thành phố còn 133 dự án chưa hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc chưa hoàn thành việc thu hồi đất, với gần 24.500 trường hợp chưa chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hơn 27,7 triệu m2 chưa thu hồi.
Nguyên nhân là do tiến độ bàn giao mặt bằng của phần lớn các dự án chậm so với thời điểm xác định tại quyết định phê duyệt dự án đầu tư, dẫn tới phát sinh tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cơ chế quản lý tài chính và đầu tư chưa đồng bộ để đáp ứng yêu cầu của công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Việc phát triển, quản lý quỹ nhà ở, đất ở tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có cơ chế xã hội hóa phát triển các khu tái định cư; chưa khai thác tốt quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại của doanh nghiệp để đầu tư nhà ở xã hội. Ngoài ra, thủ tục, trình tự bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa đầy đủ, hay điều chỉnh, gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Chính thực tế này đã dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vẫn diễn biến phức tạp.
Trong một văn bản gửi các bộ ngành, địa phương cuối tuần qua chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm trên 70%), trong đó tập trung vào vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tranh chấp đất đai.
MuaBanNhaDat theo TBKD