Theo thông tin từ UBND huyện Phú Quốc, thực hiện quy hoạch phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đến nay huyện đã xây dựng và hoàn thành các quy hoạch ngành, lĩnh vực trọng yếu đến năm 2020.
Những ngành, lĩnh vực mà Phú Quốc sẽ quy hoạch gồm giao thông, thủy lợi, thương mại, du lịch, hệ thống năng lượng, môi trường, dân cư đô thị, bưu chính viễn thông.
Bên cạnh đó, Phú Quốc cũng sẽ hoàn thành việc cắm mốc rừng và quy hoạch chi tiết điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh theo Quyết định số 868/QĐ-TTg và Quyết định số 633/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển Phú Quốc.
Về kết quả thực hiện, Phú Quốc đã phê duyệt 257 đồ án quy hoạch 1/500 với tổng diện tích 7.467ha, bằng 48,6% đất đưa vào lập quy hoạch. Đồng thời, phê duyệt 36 đồ án, tỷ lệ 1/2000, diện tích hơn 10.404ha gồm đất đô thị, đất du lịch, đất phức hợp du lịch, dịch vụ và dân cư, đất nông nghiệp và đất khác. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cũng đã được phê duyệt, cơ bản đưa gần 59.000ha vào kế hoạch sử dụng đất. Việc này đã góp phần phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, giúp các nhà đầu tư, nhân dân yên tâm sản xuất.
Với việc Phú Quốc được phát triển theo mô hình đặc khu kinh tế, hiện có 279 dự án đầu tư trên huyện này còn hiệu lực trong các khu quy hoạch. Tổng diện tích của những dự án này là 10.574ha, vốn đầu tư là 361.054 tỷ đồng.
Trong đó, 36 dự án đã đi vào hoạt động; 241 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 263.491 tỷ đồng, tổng diện tích 8.809ha; 35 dự án đang hoàn thiện thủ tục.
Trong những dự án còn hiệu lực có 23 dự án dân cư, đô thị; 215 dự án phát triển du lịch; 8 dự án dịch vụ công cộng; 8 dự án nông nghiệp; 8 dự án thuê môi trường rừng; còn lại là các dự án khác.
Khi Phú Quốc được phát triển theo mô hình đặc khu kinh tế, hiện có
279 dự án đầu tư trên huyện này còn hiệu lực trong các khu quy hoạch
Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, đến nay, công tác rà soát, hiệu chỉnh về cơ bản đã hoàn thành để xây dựng Phú Quốc thành đô thị du lịch biển đảo - trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Những trụ cột kinh tế trọng điểm của Phú Quốc được xác định là du lịch, du lịch - thương mại, y tế - giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao. Huyện cũng xác định rõ cơ chế, chính sách thu hút nhân lực, ưu đãi đầu tư... đủ mạnh để tạo lực cho phát triển Đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc theo mục tiêu của tỉnh Kiên Giang cũng như định hướng của Chính phủ.
Tuy nhiên, vì lần đầu tiên áp dụng mô hình đặc khu nên còn nhiều trở ngại, lúng túng khi xác định, hoạch định cơ chế, chính sách sao cho phù hợp để thực hiện hiệu quả. Tiến độ thực hiện quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, dự án đầu tư còn chậm. Việc phối hợp thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch còn hạn chế. Một vấn đề khác là công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều quy hoạch hàng chục năm chưa triển khai khiến người dân bức xúc...
Theo ông Huỳnh, huyện Phú Quốc sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết, chuyên ngành trong thời gian tới; tổ chức quản lý quy hoạch, đầu tư theo quy hoạch; xử lý những trường hợp vi phạm; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư làm dự án trên đảo.
Huyện cũng sẽ tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản, bảo vệ và phát triển rừng gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển cảnh quan khi đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Cùng với đó, huyện cũng tranh thủ nguồn lực, vận dụng cơ chế, hình thức đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông, các khu đô thị mới, trung tâm thương mại, hệ thống điện, nước, xử lý chất thải… Ngoài ra, huyện cũng thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển tại huyện đảo.
(Theo Vietnam+)